BẢY LUÂN XA TRONG THÂN NGƯỜI
1. Luân xa tại Huyệt – Trung Đình (Tại Tâm)
quẻ Ly, Hỏa luân xa có 12 chi, hay 12 cánh hoa sen.
2. Luân xa tại Hạ đơn điền (Tại Thận) quẻ
Khảm, Thủy luân xa có 10 can, hay 10 cánh hoa sen.
3. Luân xa tại huyệt mạng môn, tượng luân xa,
(Tứ Tượng) luân xa có 4 cánh hoa sen.
4. Luân xa ở tại Giáp Tích, Tỳ Thổ (Lục Long)
Khí Luân xa, có 6 cánh hoa sen.
5. Luân xa tại cổ, sau là huyệt Đại Chùy,
trước là huyệt Thiên Đột, gọi là Tiên Hậu Thiên luân xa, Bát Quái Tiên Thiên và
Hậu Thiên hiệp nhất, có 16 cánh hoa sen.
6. Luân xa tại huyệt Ấn-Đường nơi khai mở
Thần Nhãn, có 96 cánh hoa sen.
7. Luân xa tại huyệt Bách Hội, hay Nê Hoàn
cung, nơi dương khí tụ hội, chung quanh luân xa có 960 cánh hoa sen, giữa có 12
cánh, luân xa này là nơi Thần Khí giao hòa, tâm trí hiệp nhất, Thần huệ diệu
minh suốt thông tam giới.
KỆ KINH GIẢNG HỌC
Của Giáo Sư: Ngọc Trường Thanh
KỆ CHUÔNG
Thần chung
thinh hướng phóng phong đô,
Địa Tạng khai
môn phóng xá cô
Tam Kỳ vận
chuyển kim quang hiện
Sám hối âm hồn
xuất u đồ.
Giải nghĩa thông thường:
1. Tiếng chuông thần phát ra hướng đến cõi
phong đô.
2. Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát mở cửa phóng
thích các tội hồn.
3. Đại Đạo Tam Kỳ vận chuyển hiện ra Khí Kim
Quang tức là ánh sáng vàng.
4. Các âm hồn nơi cõi phong đô, sám hối tội
tình, đi ra khỏi nơi tối tăm ấy bằng con đường ánh sáng Kim Quang Khí.
Giải nghĩa theo tâm pháp:
Chuông Thần đối với nhân thân là lỗ mũi
1. Đánh tiếng chuông thần hướng đến cõi phong
đô có nghĩa là dùng Thần vận Khí chuyển hơi thở đến tại huyệt quang nguyên và
khí hải. Phong Đô đối với con người là biển tinh khí, ở ngay dưới rún 3 tấc
(cốt độ pháp) tại hạ đơn điền.
2. Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát mở cửa Phong Đô
phóng thích các âm linh là các mạng sống trong thân ta, mạng sống ấy là chủng
tử hay tinh trùng. Thầy dạy: Một giọt máu là một khối chơn linh, như các con
dâm quá độ, thì sát mạng chơn linh ấy, khi các con thoát xác thì nó đến tại
nghiệt cảnh đài mà kiện các con, các con chẳng hề chối tội đặng (Thánh Ngôn
Hiệp Tuyển quyển 2, trang 155, giới tà dâm).
3. Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có Pháp Luyện Khí
Công (Quy Tức Công) vận chuyển tạo ra Khí Kim Quang có ánh sáng màu vàng.
4. Các mạng sống tức là âm linh ở trong thân
ta đã được giải thoát ra khỏi đơn điền (hạ giới). Khi chơn tinh đã được hóa khí
liền nhập vào Thần Khí mà lên thượng đảnh (bộ đầu) tức là đã thoát khỏi con
đường tối tăm tội lỗi.
Kệ chuông là Pháp môn luyện tinh hóa khí.
BÀI KỆ TRỐNG LÔI ÂM
Lôi âm Thánh
cổ triệt hư không,
Truyền tấu Càn
Khôn thế giới thông,
Vạn pháp đương
kim dương chánh giáo,
Linh quang
chiếu diệu Ngọc Kinh Cung.
Giải nghĩa thông thường:
1. Tiếng trống lôi âm là trống thánh, thấu
suốt các cõi hư không.
2. Tiếng trống truyền đi để tỏ bày cho Càn
Khôn thế giới rõ.
3. Nền Đạo Pháp hay chân lý của Đạo Cao Đài
hiện nay nêu cao cho mọi người biết là nền chánh giáo.
4. Ánh sáng linh diệu của Đạo chiếu sáng rực
rỡ tòa Bạch Ngọc Kinh nơi Thượng-Đế ngự.
Giải nghĩa theo TÂM PHÁP – Trống lôi âm đối với thân
người là lỗ tai. Khi hành giả công phu, lắng nghe Thần Khí đang vận hành trong
châu thân.
Tiếng trống Lôi Âm là tiếng sấm nổ trong bộ
đầu, chỉ có người tu tự nghe biết, bên ngoài tuyệt nhiên không ai biết. Tiếng
nổ là báo hiệu: Tinh-Khí-Thần tam hoa tụ đảnh, Ngũ Khí Triều Nguyên, người tu bắt
đầu mở Huệ Nhãn, trí tuệ sáng suốt.
Kinh Nho
Giáo Bửu Cáo có câu: Tự lôi trử bính, linh ư phụng lãnh.
Dịch: từ khi sấm nổ vang thanh, núi linh
phụng gáy điềm lành ứng cho. Trong Bảo Pháp Đàn Kinh chú giải trang 323 của
Ngài Chưởng Giáo Bùi Hà Thanh có chép lại bài giáng cơ của Phật Bà Quan Âm như
sau:
“Đây là chỗ
non nhân nước trí,
Kìa là nơi thảo dị kỳ hoa,
Âm dương vừa
lúc giao hòa.
Đặng nghe sấm
nổ Tiên gia giáng phàm.
Trong có cuộc tuần hoàn chuyển động.
Ba hồi chuông tiếng trống bên lầu
Tay ôm phong
nguyệt một bầu,
Phản đưa vóc
thắm, chân lần đóa mây”.
5. Tiếng trống lôi âm là trống Thánh, Thánh
là sáng suốt, thấu suốt các cõi hư không. Người luyện Đạo khi nghe sấm nổ bên
trong bộ đầu thì có “Tề Thiên” xuất hiện biến hóa vô cùng.
6. Nền Đạo Pháp hay chân lý của Đạo Cao Đài
hiện nay nêu cao cho mọi người biết là nền chánh giáo.
7. Ánh sáng linh diệu của Đạo chiếu sáng rực
rỡ tòa Bạch Ngọc Kinh nơi Thượng Đế ngự (tòa Bạch Ngọc Kinh cũng chỉ cho hào
quang sáng chói nơi bộ đầu, nơi Thầy ngự, đầu thượng viết Cao Đài), Thượng Đế
hằng ngự trong tâm đầu của mỗi chúng ta.
GIẢI NGHĨA CÂU KINH TRONG BÀI KINH
PHẬT GIÁO BỬU CÁO
“Thổ khí thành hồng nhi nhứt trụ xang thiên,
Hóa kiếm
thành xích nhi tam phân thác địa”.
Giải nghĩa theo soạn giả hiền tài Nguyễn Văn
Hồng trong kinh thiên thế đạo. Thổ là phun ra, thổi ra, khí là
chất khí, thành là nên, hồng là cái cầu vồng, cái mống trời,
nhi
là mà, tiếng dùng để chuyển ý, nhứt trụ là một cây cột, xang
là chống đỡ, chống vững, thiên là trời.
Thổi ra một chất Khí biến thành cái mống, làm
như một cây cột chống vững bầu trời, câu kinh nầy ngụ ý nói về quyền pháp mầu
nhiệm, cao siêu của Đức Nhiên Đăng Cổ Phật.
Theo nghĩa tâm pháp: Thổ Khí là động tác hô hấp
theo pháp luyện khí công (Quy Tức công) khi hành giả tập trung tư tưởng vào hơi
thở để luyện tinh hóa khí, trong tinh có lửa, khi tinh đã được hóa thành khí,
khí ấy gọi là khí Kim Quang, có đủ bảy sắc hào quang: Xanh, đỏ, vàng, lục, lam,
chàm, tím, màu sắc giống như cái cầu vồng (mống Trời) và tạo thành một trụ đỡ vững
bộ đầu.
Cột sống có ba đường khí đi lên bộ đầu huyệt
Bách Hội, một đường khí ở giữa xương sống thông suốt lên não. Hai bên hai dòng
khí chạy từ dưới xương cụt lên đầu, giáp mối nhau ba điểm, chỗ 3 luân xa sau
lưng. Một tại huyệt mạng môn, “tượng luân xa”, hai tại huyệt Giáp Tích, “Khí
luân xa” ba tại huyệt Đại Chùy trước mặt là huyệt Thiên Đột, “Tiên Hậu Thiên
luân xa”. Hai dòng khí gặp nhau, tạo thành năng lượng khai mở 3 luân xa phát ra
ánh sáng huyền diệu.
Ba khí này hợp nhất tạo thành cây trụ chống vững
bầu trời. Cây trụ này, theo truyện Tây Du Ký là cây thiết bản (cây gậy làm bằng
kim khí) của Tề Thiên Đại Thánh, lấy được dưới Bắc Hải do Long Vương biếu. Nhờ
cây thiết bản này, Tề Thiên Đại Thánh có đủ 72 phép thần thông biến hóa trừ yêu
quỷ. Tề Thiên Đại Thánh nghĩa là sự sáng suốt lớn bằng Trời.
Hóa kiếm thành xích như tam phân thác địa.
Hóa là biến thành, kiếm là cây kiếm, cây gươm, thành
là làm nên, xích là cây thước, nhi là mà, tam phân là ba phân của
cây thước. Thác là nâng, dùng hai tay nâng lên một vật gì. Địa
là đất. Câu nầy nghĩa là biến cây kiếm thành cây thước, lấy ba phân đủ đỡ vững
giềng đất. Câu nầy cũng nói lên quyền pháp vô biên của Đức Nhiền Đăng Cổ Phật.
Theo nghĩa Tâm Pháp: Cây kiếm đây là chỉ cho
mạch nhâm, trong thân người phía bụng là mạch nhâm chứa huyết (âm mạch) sau
lưng là Mạch Đốc chứa khí (dương mạch) người xưa thường ví mạch Nhâm là sông
Tương, Mạch Đốc là sông Ngân ở trên Trời. Mạch Nhâm ví như cây kiếm hóa thành
cây thước, cây thước chỉ có 10 tấc, 10 phân, chỉ lấy có ba phân đủ đỡ vững
giềng đất. Con số mười chỉ cho thập địa là đất mười, trời chín, trước bụng số
10, sau lưng số chín (Cửu Thiên,Thập Địa) trong kinh cầu cơ có câu:
Xem qua xét lại cổ kim,
Một bầu Trời Đất thanh liêm chín mười.
Muốn đỡ đất bền vững chỉ lấy có ba phân. Ba
phân đây là chỉ cho đất có ba món quí là: Thủy là Nước, Hỏa là Lửa, Phong là
Gió, người có ba món báu là Tinh-Khí-Thần, ba món báu này nó tràn ngập khắp
trong Vũ-trụ, nếu dụng Thần gôm về một (đắc nhứt) thành một sức mạnh có thể
rung Trời chuyển đất. Vòng Tiểu Châu Thiên trong người giáp mối, thì khiếu
huyền quang tự nhiên hoát khai, ấy là sấm đã nổ trong bộ đầu, thần minh xuất
hiện, Thánh nhân xuất thế, Cái Thần minh nầy Đạo gia gọi là Huệ kiếm gươm Thần,
cây kiếm cây gươm vô hình rất sáng suốt dứt tan được mọi giây oan nghiệt buộc
ràng nhiều đời nhiều kiếp. Phân tích số 10 – theo Dịch học số một (1) là Ngôi
Thái Cực, số không (0) là Ngôi Vô Cực, hữu vô hiệp nhất, Phật gọi sắc tức thị
không, ta gọi là ngôi hư nhất, hay là Thái Hư nhứt khí. Chữ Thập + là thời gian
không gian hiệp nhất tạo thành một điểm chính giữa gọi là ngôi Hoàng Cực (số
5), Hoàng Cực là điểm trung hòa, ta thường gọi là Thiên Khai Huỳnh Đạo. Ở Trời
là ngôi Thái Cực ở người là ngôi Hoàng Cực, ở Đất là ngôi Lưỡng Cực, ở khí là ngôi
Vô Cực. Chữ Thập tạo thành ngôi Tứ Tượng có 4 cánh. Đông, Tây, Nam,
Bắc. Ở người là Tinh, Thần, Hồn, Phách, ở ngũ hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, ở
bốn mùa là xuân, hạ, thu, đông, ở tứ thời là Tý, Ngọ, Mão, Dậu; người tu tâm
pháp phải tứ thời công phu để Tinh, Thần, Hồn, Phách qui về Trung ương Mậu Thổ.
Tức là Ý ĐỊNH. Ấy là phép tứ Tổ Qui gia, Ngũ Khí Triều Nguyên, Ngũ Khí hiệp
nhập.
GIẢI NGHĨA CÂU KINH TRONG BÀI KINH
TIÊN GIÁO BỬU CÁO
- Tử khí Đông lai, quảng truyền đạo đức.
- Lưu sa tây độ, pháp hóa tướng tông.
- Chữ tử là màu tím, màu đỏ tía, tử khí Đông
lai là một đám mây màu tía từ hướng đông bay tới, chỉ cho đức Lão Tử từ hướng
đông đến truyền Đạo.
- Quảng truyền đạo đức, cuốn sách đạo đức
kinh của Đức Lão Tử được truyền bá rộng khắp nơi. Sách có 5 ngàn chữ, số 5 là
chỉ số AN THỔ.
Chữ tử đây là chỉ cho cửu tử thần quang, là
Khí Tiên Thiên của quẻ Ly. Trong Cửu Cung có nhứt bạch là màu trắng cung Khảm,
nhì Hắc là màu đen cung Khôn, tam Bích là màu xanh biếc cung Chấn, tứ Lục là
màu xanh lá cây, cung Tốn, Ngũ Hoàng màu vàng Ngôi Hoàng Cực, Lục Bạch là màu
trắng cung Càn, Thất Xích màu đỏ cung Đoài, bát Bạch màu trắng cung Cấn. Cửu Tử
là màu đỏ tím ánh sáng cực dương tột đỉnh, ngôi Thần Quang sáng chói rực rỡ.
Trong 9 màu có 3 màu trắng bạch.
1. Nhứt bạch
cung Khảm, Ngôi Tinh.
2. Lục Bạch
cung Càn, Ngôi Thần.
3. Bát Bạch
cung Cấn, Ngôi Khí.
Ba ngôi Tam Bửu này rất trong trắng tinh
khiết, luyện thành Khí Kim Quang các màu kia do Kim Quang Khí biến thành. Có
sách nói cung Càn màu Huyền, cung Cấn màu Hồng. Ánh sáng mặt Trời chiếu từ Đông
sang Tây để truyền sự sống cho muôn loài vạn vật, Đạo Đức kinh là nguồn sống
trường tồn cho muôn loài vạn vật là Sanh Quang Khí, Trường Sanh Khí, hơi thở
của vạn vật chúng sanh. Hồng Quân Lão Tổ, Đông Phương Lão Tổ, hay Thái Thượng
Lão Quân, đều là hóa thân của Thần mặt Trời.
Lưu sa Tây Độ nghĩa là qua vùng sa mạc ở
hướng Tây để cứu giúp người đời.
Giải theo Tâm Pháp: Lưu sa đây là dòng sông
cát, hà sa cũng cùng một nghĩa. Sau lưng cột sống có một dòng khí chạy từ dưới
lên trên đỉnh đầu như một dòng sông cát vàng, khí nầy vừa là hạt vừa là ánh
sáng lóng lánh. Người luyện Đạo khi dẫn Thần Khí đến hạ đơn điền, tinh được hóa
khí, rồi khí sẽ chuyển ra phía sau lưng mở luân xa tứ tượng tại xương mông,
vùng huyệt dương quang và mạng môn, luân xa này có bốn cánh hoa sen. Khí ấy
chạy lên huyệt Giáp Tích mở luân xa Lục Long, luân xa nầy có sáu cánh hoa sen,
dòng khí chạy tiếp lên cổ mở luân xa 16 cánh hoa sen. Luân xa này gọi là Tiên
Thiên Hậu Thiên hiệp nhất. Dòng khí chạy tiếp lên đỉnh đầu, tại huyệt Bách Hội.
Luân xa nầy ở giữa đỉnh đầu có 972 cánh Hoa sen chung quanh luân xa có 960 đạo
hào quang, ở chính giữa luân xa có 12 Thần làm chủ. Đây là nơi Thần Khí giao
hòa, tâm trí hiệp nhất.
Khi âm dương giao hòa, Thần Khí quân bình,
khiếu Huyền Quang khai mở, trước tráng, tại Huyệt Ấn Đường, Thánh Nhãn cũng
được mở toang suốt thông tam giới. Luân xa tại Ấn Đường có 96 cánh hoa sen,
tiêu biểu cho số Cửu Dương và Lục Âm theo Dịch học, trong Đạo thường gọi là 96
ức nguyên nhân. Trong thân chúng ta có hai khí chính, khí dương mặt trời ở
trước mặt, khí âm mặt trăng ở sau lưng, tượng cho trục Đông Tây hồn phách. Mặt
trăng không có ánh sáng, nhờ hứng lấy ánh sáng mặt trời mà phản chiếu lại thành
ra một thứ ánh sáng mát diệu, lung linh, đẹp đẽ. Người tu cũng vậy, nhờ lửa
Thần soi dẫn tinh khí, biến Tinh Khí Thần thành ánh sáng trí tuệ vô cùng sáng
suốt.
Sách Thiền của Phật có bài thơ:
“Trèo cây vịn
níu có chi rành,
Lên chót buông tay mới đại danh,
Đêm lặng canh khuya câu chẳng cá.
Đầy thuyền chỉ có bóng trăng thanh”.
Bài thơ nầy diễn đạt ý pháp, hai câu trên ý
nói tu pháp vô vi không còn nương tựa vào hữu hình, buông bỏ tất cả lợi danh,
tiền, tình v.v…
Câu thứ ba: Đêm khuya lẳng lặng, tâm hồn
không giao động, biển lòng yên tịnh.
Cá đây là chỉ cho cá đã hóa long, tinh đã hóa
khí, không còn mống động nữa.
Câu thứ 4 – ý nói: sóng lặng thì minh châu
hiện, toàn thân chỉ có ánh sáng mặt trăng, phong nguyệt một bầu, khí Kim Quang
bao phủ khắp thân, chói rỡ mình ta.
Câu kinh pháp hóa tướng tông – theo tác giả
hiền tài Nguyễn Văn Hồng dịch: Cái giáo lý biến thành hình thể của một tôn
giáo. Theo nghĩa tâm pháp. Pháp là cái Pháp bí truyền của Đạo, Pháp ấy dạy:
Luyện Tinh hóa Khí, luyện Khí hóa Thần, luyện Thần hoàn hư, luyện hư hoàn vô,
luyện thành Kim Thân, Tiên Thể. Pháp ấy tạo thành nhị xác thân, là hình tướng
các vị Tiên Phật.
Thánh Ngôn Hiệp tuyển trang 33 Thầy dạy: mỗi
kẻ phàm dưới thế nầy đều có hai xác thân, một phàm gọi là Corporel (cọt-bo-rel)
còn một thiêng liêng do cái phàm mà ra, nên gọi là bán hữu hình, vì có thể thấy
đặng, mà cũng có thể không thấy đặng.
Cái xác vô hình thiêng liêng huyền diệu ấy do
nơi Tinh Khí Thần mà luyện thành, đó là nhị xác thân, là pháp hóa tướng tông,
khí nắn ra hình.
GIẢI NGHĨA CÂU KINH TRONG BÀI
NHO GIÁO BỬU CÁO
- Tự lôi trử bính, linh ư phụng lãnh.
- Chí như ý từ, tường ư ngao trụ.
Theo học giả hiền tài Nguyễn Văn Hồng giải
nghĩa kinh thiên thế đạo. Tự là từ khi; lôi là tiếng sấm; trữ
là cất, chứa; linh là linh thiêng; phụng là con chim phụng; lãnh
là Núi.
Nghĩa là từ lúc văn tự được chế thành, thì
Trời sanh sấm nổ nháng sáng, nhờ có văn tự mới ghi chép những lời giáo huấn của
Thánh hiền. Nhờ đó, con người học hỏi tiến hóa để trở thành Thánh nhân. Linh
ư phụng lãnh: Linh thiêng như con chim phụng ở núi. Chim phụng có tánh
linh, khi thời loạn lạc thì ẩn mình trong hang núi khi sắp thái bình thì bay
ra, cất tiếng gáy báo hiệu có Vua Thánh ra đời.
Giải theo Tâm Pháp: Lôi là tiếng sấm nổ bên
trong bộ đầu, Bính là lửa Thần, hành hỏa có hai thứ lửa, lửa Bính là lửa
dương hỏa, sách thuốc gọi là quân hỏa, lửa đinh là lửa âm hỏa, sách thuốc gọi
là lửa tướng hỏa, người tu dùng lửa dương thần để luyện đạo.
Chú Kim Quang có câu:
Nội hữu tích lịch,
Lôi thần ẩn danh,
Động tuệ giao triệt.
Nghĩa là trong có tiếng sấm sét, vị lôi thần
ẩn danh, thấu thông vây phủ khắp. Lôi Thần là lửa Thần ở trong thân ta, tu
luyện phải lấy được lửa ấy mới mong có kết quả. Khi nghe bộ đầu có tiếng sấm
nổ, ấy là khiếu linh đã được khai mở (phá nhứt khiếu chi huyền quang). Nếu nổ
được ba tiếng tức là Tinh Khí Thần đã tụ tại bộ đầu (tam hoa tụ đảnh), chim
phụng xuất hiện, người tu đã có thần linh mầu nhiệm.
Câu: Chí như ý từ, tường ư ngao trụ.
Nghĩa chữ chí là đến, Như là giống như, ý là
ý nghĩ, ý tưởng, từ là lòng thương yêu chúng sanh, tường là tốt đẹp, may mắn, ư
là ở tại, Ngao là con Cự Ngao, Trụ là Hòn Núi, Ngao Trụ là Hòn Núi dùng làm chỗ
ở của các vị tiên, Thánh, có những con Cự Ngao đỡ vững. Vậy Ngao trụ là hòn núi
Tiên nổi trên mặt biển có các con Cự Ngao đỡ vững. Nghĩa thông thường của câu
kinh: đến như các lý tưởng thương yêu chúng sanh tốt lành như ở núi Ngao Trụ.
Theo nghĩa Tâm Pháp: Chữ tường là tỏ rõ, tường
tận cái lý Ngao Trụ. Tích Núi Ngao Trụ. Núi Ngao Trụ ở phía Đông biển bột hải,
có 5 hòn núi.
1. Núi Đại Dự.
2. Núi Viên Kiều.
3. Núi Phượng Hồ.
4. Núi Đinh Châu.
5. Núi Bồng Lai.
Năm núi nầy các vị Tiên Thánh thường ở tại
đó. Năm núi ấy không có chân đứng, thường theo nước thủy triều mà trôi nổi trên
mặt biển, khi nhô lên, khi hụp xuống, tùy theo thủy triều, các vị Tiên, Thánh
tâu với Đức Ngọc Đế, nếu cứ để năm núi ấy trôi nổi nhấp nhô như vậy, sẽ trôi ra
tứ cực. Đức Ngọc Đế bèn khiến 15 con Cự Ngao cất đầu đội năm núi ấy đứng vững
chẳng trôi nữa, phân ra làm 2 phiên, mỗi phiên cứ sáu muôn năm đổi một lần.
Năm Hòn núi trên là chỉ cho 5 hành, Kim, Mộc,
Thủy, Hỏa, Thổ. Thổ là Núi Bồng Lai, 15 con Cự Ngao là số 15 trong bản đồ
Lạc-Thơ; con số chung của bốn phương bốn hướng, là luật công bằng của Trời Đất.
Con số 2 là số tấn dương Hỏa, và thối âm phù, từ Tý đến Tỵ là tấn dương, từ Ngọ
đến Hợi là thối âm, tấn 6 thời, thối cũng sáu thời. Người tu pháp theo Đồ
Lạc-Thơ mà luyện Khí, khi đạt được sự quân bình của âm dương và ngũ hành, tức
là đã đắc được Ngôi Hoàng Cực, đã được về ở Núi Bồng Lai Tiên Cảnh, đây cũng là
chùa Phổ Am, hay cung Huỳnh Đình. Bản đồ Lạc-Thư tôi đã giải rõ trong cuốn Bửu Pháp Quy Tức, hãy tìm xem thì sẽ rõ
thông 15 con Cự Ngao, Tường ư Ngao Trụ là phải tỏ rõ 15 con Cự Ngao ở Núi Ngao
Trụ.
Kinh Pháp chứa nhiều điều sâu kín siêu diệu,
xưa nay đọc tụng thuộc lòng, nhưng ít ai nghiên cứu phân tích lý giải rõ ràng.
Kinh Pháp là đuốc tuệ soi rọi chân lý, mà cũng là bẩy rập đưa đạo hữu vào đường
mê tín, dị đoan.
Nay tôi giải nghĩa theo sự trực ngộ hai bài
kệ chuông trống, và ba câu kinh trong ba bài Bửu Cáo của Phật, Tiên, Nho mà
người theo Đạo Cao Đài lấy làm kinh nhật tụng, rất mong chư huynh đệ tìm hiểu
Thần Khí chứa trong kinh kệ là điều rất quan trọng.
Đây cũng là sự khải thị để người tu tìm lại
nguồn sống tâm linh trong kinh pháp.
Thành phố Tuy Hòa, ngày 16 tháng 3, năm 2005
Giáo Sư Ngọc Trường Thanh
Bút hiệu MINH NHÂN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét