Ý HỆ DÂN TỘC
&
SỨ MẠNG HÒA GIẢI
QUỐC
GIA THỐNG NHẤT
DÂN
TỘC HÒA BÌNH
ĐẠI
ĐẠO HOẰNG KHAI
Giáo
Sư NGỌC TRƯỜNG THANH
Địa
chỉ: 18/6 Nguyễn Thái Học, Tuy Hòa, Phú yên.
LỜI NÓI
ĐẦU
Cuộc phân-tranh
ảnh hưởng quyền lực giữa các siêu cường, tạo chiến tranh tàn khốc giữa người Việt
anh em, gây thống khổ đau thương cho dân-tộc Việt-Nam suốt hơn một phần tư thế
kỷ.
Hàng triệu
người đã chết vì bom đạn. Xã hội Việt-Nam bị đảo lộn về mọi mặt: Đạo nghĩa suy
vi, quốc hồn xiêu đổ, nòi giống diệt vong, tài sản quốc gia kiệt quệ.
Nổi bi-thống
của đồng bào, cảnh sa-đọa, hoang-tàng đổ nát của đất nước không sao nói hết được.
Cuộc chiến cù-cưa dằng dai ấy, cứ tiếp tục diễn mãi, với khí giới tối-tân do
ngoại bang viện-trợ, đã khiến cho lương tâm nhân loại vô cùng xúc động.
Các bậc
hiền-triết, Bác-học, các lãnh tụ tôn-giáo hằng lưu tâm theo dõi tình hình
Việt-Nam đều hoang-mang, lo lắng.
Các
cường quốc đàn anh khi đã đạt đượcmục-tiêu chiến lược; cố mưu tìm một lối thoát
danh dự, mong vãn hồi hòa bình cho dân-tộc Việt-Nam, nhưng hòa-bình vẫn chưa
đạt được là vì lẽ gì?
- Vì
chưa phản ảnh trung-thực, chưa đáp ứng đúng nguyện-vọng của dân-tộc Việt-Nam.
Tôi tự
xét tài hèn đức mọn, nhưng nghĩ rằng: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”
nên mạo muội đưa ra một phương thức “GIẢI HÒA DÂN TỘC”. Nội dung tài liệu tóm tắt trong một sách lược “Sửa sai
miền Bắc, cách mạng miền Nam”, lấy tư tưởng dân-tộc khai phóng
làm gạch nối liền Nam Bắc, xây dựng cho dân-tộc một lập-trường “TRUNG-HÒA” theo
nguyên lý Thái-Cực, Âm Dương hợp nhất.
Tài liệu
này tôi đã phổ biển hạn chế trong Đạo vào tháng 9 năm 1972.
Là một
động cơ xây dựng Hòa-bình, tôi đã từng phấn-đấu gian-lao qua nhiều giai đoạn
hết sức cam go, dù lệ đã khô, huyết đã cạn cũng không thể tọa quan thành bại
trước sứ mạng hòa giải dân tộc, hòa-bình đất nước.
Một giải
pháp đã đưa ra, dù chưa đáp ứng với thời cuộc hiện tại, cũng mong sao được-góp
một phần nhỏ trong công-trình dung họp dân-tộc, thống-nhất lãnh thổ trong
tương-lai.
Cầu
nguyện Thượng-Đế Chí-Tôn ban phước lành
cho dân-tộc Việt-Nam sớm được thống nhất độc-lập, trọn hưởng hòa-bình tự-do, dân
chủ, công bằng, thị hiện một Thiên đàng cực lạc tại Việt-Nam Thánh-Địa.
Tuy-Hòa,
ngày 1 tháng 10 năm 1972
Giáo Sư
NGỌC TRƯỜNG THANH
Ý HỆ DÂN
TỘC
&
SỨ MẠNG
HÒA GIẢI
I. KHẢO SÁT VỀ THỜI ĐẠI
HÙNG-VƯƠNG
Cuộc
chiến-tranh nào dù khốc-liệt và kéo dài rồi cũng có ngày phải ngưng nghỉ, lý-do
ngưng nghỉ là vì đã có kẻ thắng người bại. Cuộc chiến Việt-Nam lại khác hẳn, đã
đến lúc tạm ngưng nhưng không có sự thắng bại.
Việt-Nam
chỉ là một thí điểm của các cường quốc để dò-dẫm sức mạnh, tranh ảnh hưởng và
phân chia quyền-lợi giữa nhau; nay đã đến lúc quyền-lợi tạm thỏa-mãn tất nhiên
Việt-Nam hai miền phải ngưng chiến, một cuộc ngưng chiến mù mờ tạm bợ, một cuộc
sống chung còn chứa đầy căm thù và mâu thuẫn. Nội tại thì Đảng phe tranh-chấp,
Tôn-giáo chia rẽ, giai cấp xung đột. Ngoại tại thì cố tình mưu lợi, không cần
thành tín nhân-nghĩa, không tôn-trọng danh-dự và sự cam kết chân thành.
Dân-tộc
đã bị quyền-lực thiểu số bắt buộc họ phải hy-sinh chiến-đấu, thật tâm họ chẳng
muốn có chiến-tranh và lại càng không muốn người cùng chung một huyết-thống,
một giống nòi dựa thế-lực bên ngoài mà tàn sát lẫn nhau.
Trong
suốt mấy mươi năm chinh-chiến dân-tộc Việt-Nam hứng chịu tất cả những tai-ương
thống-khổ, nhưng nhờ trong cái rủi có cái may là họ đã bừng tỉnh giấc mơ “ĐẠI ĐỒNG
và DÂN CHỦ”. Dân-tộc Việt-Nam đã đến lúc tự
phản-tỉnh.
Cái
tác-dụng của cuộc chiến-tranh này đã đem lại một kết-quả bất ngờ là Việt-Nam
hai Miền đã thâu lượm được mục tiêu chiến lược và kế-hoạch chủ quan của các
cường quốc trên thế-giới. Chẳng những thế mà còn cảm thông được manh mối của sự
chuyển-biến trong nước và thế-giới tương-lai.
Cuộc
Hội-đàm Ba-Lê đã đến hồi kết thúc. Việt-Nam sẽ ngưng chiến và tình hình lưng
chừng sẽ kéo dài trong một thời-gian. Đến khi nào các cường-quốc hội đủ các
điều kiện tối cần là ngày giờ quyết-định cho một cuộc Đại-Chiến thứ III, chính
là trận giặc chót của văn-minh nhân-loại. Cuộc ngưng chiến tại Việt-Nam chỉ là
một thời kỳ phục sức của con quỷ chiến-tranh dùng để chuẩn bị kéo toàn nhân-loại
vào một trận tiêu-diệt đại qui-mô chưa từng thấy ở trên Địa-cầu này.
Dân-tộc
Việt-Nam còn có đủ sáng-suốt, đủ thì giờ tìm lối thoát khỏi ngõ bí để tự cứu
mình. Không phân-biệt tín ngưỡng, giai-cấp, đảng phái, chủ nghĩa, hãy sớm quay
về với truyền-thống dân-tộc để dập tắt lửa hận thù, xóa bỏ mọi thành kiến, giải
tiêu mọi oan-nghiệt, xây dựng và phục-hồi tình thương và lẽ sống trong lòng đất
Mẹ theo đúng nghĩa đồng bào ruột thịt của Tổ-tiên đã di-truyền, để tạo một uy
thế hòa-giải có hiệu-lực tối đa.
- Căn-bản của dân-tộc là
dung-hòa hiệp nhất.
- Truyền-thống của dân-tộc là
hiếu sanh nhân-nghĩa.
Vậy chỉ
còn một sanh-lộ là toàn dân hãy quay về với lịch-sử, tìm cho ra cội-nguồn của
dân-tộc hầu có một đáp số chính-xác cho bài toán hòa giải của chúng ta. Người
dân có hiểu được ngọn-nguồn của lịch-sử, có biết được sự sáng-tạo và cách thức
sống của Tổ-Tiên, có khai quật được hồn sử mới mong tìm được một định hướng,
vạch một phương-châm chân-xác để phụng-sự cho dân-tộc, và nhất là để tạo một
luồng sanh-khí hòa-giải cho cả hai Miền trong cơn bế-tắt.
Như
chúng ta đã biết: Nước ta tài-nguyên phong-phú, dân cư đông đúc, có những đức
tính khiêm-tốn cần-cù, liên tục đấu tranh bất-khuất, cho nên sống hơn nghìn năm
Bắc thuộc mà không bị đồng-hóa, gần trăm năm nô-lệ Thực-dân Pháp mà thanh-thế
không suy, kế tiếp trên 25 năm chiến-tranh phi lý giữa hai thế lực Tư-bản và
Vô-sản Quốc-tế gây nên, nhưng hùng-khí của dân-tộc đã vùng lên để định-đoạt số
phận của mình.
Hùng-Vương
đã xuất-hiện trên sân khấu lịch-sử thời Cổ-đại như một nhân-vật kỳ-vĩ, các
Bộ-lạc đều suy-tôn, thống-nhất cả một miền sinh tụ rộng lớn là nước Văn-Lang,
rồi con cháu về sau thừa thế chiếm giữ lấy độc quyền kế tục.
1 – CHÍNH TRỊ: Tổ-chức chính-trị trong thời kỳ này còn phôi-thai, nhưng
giữa Vua và dân chúng có tình thương yêu mật-thiết lắm. Chuyện cổ còn truyền
rằng: Lạc-Long Quân hay về chơi Thủy-cung, mỗi khi dân có việc khó giải-quyết
thì chạy ra bờ sông kêu lên: “Bố ơi! Ở đâu về mà xử việc cho con”. Cũng bởi truyền-thống ấy nên vào thời Bắc-thuộc lần thứ
III, có ông Phùng-Hưng khởi-nghĩa chống xâm-lăng nhà
Đường, ông đem nhân-chính
ra trị dân, dân rất mến phục và tôn ông là “Bố-Cái
Đại-Vương”. Nhà Vua là cha mẹ của dân, cha mẹ lo cho con thế nào thì lo cho dân
thế ấy.
2 – KINH-TẾ: Vào thời Hùng-Vương, ông cha ta đã biết làm ruộng với
khí-cụ bằng đá đẽo nhẵn, biết lợi dụng nước thủy-triều lên xuống mà làm lúa hai
mùa, biết dùng chài lưới để đánh cá, quen lội nước, thích săn-bắn, biết nhuộm
răng ăn trầu và vẽ mình để lội nước chống với các loại giao-long; cũng trong
thời kỳ ấy, dân ta đã biết dùng đồng làm ra nồi niêu để nấu ăn, bịt mũi tên
bằng đồng để săn bắn và chống kẻ nghịch, nhất là biết chế tạo và xử-dụng trống
đồng, gọi Trống Đồng Lạc-Việt, đây là một nền văn-minh cổ-kính nhất nước ta.
3 – NGOẠI GIAO: Sử chép thời đại Hùng-Vương đã biết giao-thiệp với các nước
lân-bang, nhất là đối với Trung-Quốc. Vào khoảng đời Đường, Nghiêu (2.352 trước
Tây-lịch) có người Việt-Thường đến dâng Vua Nghiêu một con Thần-qui có ba chân
trên lưng có khắc lối chữ “Khoa-Đẩu” ghi từ khai Thiên lập Địa đến bây giờ, Vua
Nghiêu sai chép lấy đặt là Quy lịch.
- Vào
năm Tân-Mão (1109 trước Tây-lịch), đời Vua Thành-Thang nhà Chu, có nước
Việt-Thường sai sứ đem chim Bạch-trĩ sang cống, nhà Chu phải tìm người
thông-ngôn mới hiểu được tiếng, và ông Chu-Công-Đán phải chế ra xe chỉ nam để
đưa sứ-giả về nước.
4 – VĂN HÓA: Trống Đồng Lạc-Việt là tượng trưng cho nền văn-hóa đầu tiên
của dân tộc Việt-Nam.
Theo
sách Lịch-sử tư tưởng Việt-Nam của Giáo-Sư
Nguyễn Đăng Thục thì “… dụng ý của Trống-Đồng là đại-biểu cho quyền-uy
của thủ lãnh quần chúng để ban hành mệnh-lệnh. Mỗi lần đánh Trống lên là mỗi
lần có sự ra lệnh và Trống đã trở nên Thiêng-liêng thành vị Thần-Đồng-Cổ. Vì
thế mà nhân dân có xây đền thờ Thần Đồng Cổ. Vào các thời đại độc-lập như Đinh,
Lê, Lý, Trần, triều đình hằng năm uống máu ăn thề trước đền thờ Thần Đồng Cổ,
cái quan niệm nầy nói đúng hơn là một tín-ngưỡng Thần Đạo vậy”.
5 – TÍN NGƯỠNG: Tục bái vật được coi như một tín ngưỡng ban sơ của loài
người. Riêng giống dân Lạc-Việt chúng ta có lẽ vì sức quật-cường, sự bền-bĩ
gian-lao, khôn-ngoan sáng-suốt, qua bao lần chống chõi Hán-tộc Bắc-phương, tìm
được đất sống, cố thủ được giang-sơn, bảo-tồn được chủng-tộc nên ông cha ta mới
lựa cho mình một vật tổ vô cùng cao quý, ấy là “Rồng-Tiên”.
Rồng
tượng trưng cho sức mạnh vật chất dồi dào, một tinh-thần nhập thế tích cực. Tiên
tượng-trưng cho tinh-thần cao-cả sáng-suốt hay là sự xuất thế giải-thoát. Tinh-thần
Rồng Tiên ấy đã được thị hiện qua những hành-động của dân tộc.
Lịch sử
của chúng ta đã có những anh hùng liệt-sĩ như: Trưng-Vương, Triệu-Ẩu, Lý Thường
Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ v.v… há không phải là Rồng thiêng chổi
dậy đó sao?
Những
cốt cách phi-phàm, khôn ngoan tài thiệp, danh lợi không màng, sống chết không
bận như: Phù-Đổng Thiên Vương, Nguyễn Trãi, Trần Bình Trọng, Nguyễn Bỉnh Khiêm,
La Sơn Phu Tử v.v… nếu chẳng phải tiên phong đạo cốt là gì?
II – Ý NGHĨA VỀ VẬT TỔ HÙNG
VƯƠNG
Rồng
Tiên chính là đạo âm dương hiệp nhất, là sự hòa hiệp của đất trời. Rồng thuộc
dương là một giống linh biến bất trắc, nó biểu tượng cho đức tính cương kiện,
trung chính. Ở Việt-Nam, chúng ta thường thấy hình ảnh con Rồng thường được tô
đắp nơi các đền thờ, đình miểu, hay nơi dinh thự các vua chúa. Rồng là giống ở
nước.
Tiên là
tượng trưng cho lý âm, cho sự trinh chính, tinh khiết, trong sạch, đẹp đẽ, bền
chặt, sâu dày, ở trong tục mà không nhiễm mùi tục, sống trong trần mà chẳng lụy
trần ai, đó là cốt cách của người Tiên mà Tiên thường ở núi.
Rồng
biểu thị cho đạo nhập thế, nên Lạc Long Quân mới dẫn năm mươi người con xuống
thế gian lo khai thế, trị thế, mở rộng cõi bờ, lập quốc quy dân, tô điểm sơn hà
cho cảnh thế gian đượm màu tươi sống huy hoàng. Năm mươi người con theo mẹ lên
núi để lánh mùi tục lụy, giải thoát trần ai, vì:
“Mùi tục
lụy lưỡi tê tân khổ,
Bước thế đồ gót rỗ kỳ khu”.
Rồng
Tiên phải chăng tổ-tiên ta muốn truyền thụ cho chúng ta một MẪU NGƯỜI
VIỆT-NAM LÝ TƯỞNG. Người Việt Nam lý-tưởng là người biết
lẽ âm dương tiêu trưởng, nửa đời người từ nhỏ đến tuổi năm mươi là thời kỳ nhập
thế, thời kỳ đắm say trần tục, con người chỉ biết sống có vật chất, càng ngày
càng sa đọa, lạc lỏng vào con đường phù du hư ảo, làm tôi tớ cho hoàn cảnh xã
hội khiến sai. Nhưng cũng nhờ giai đoạn sùng thượng “vật chất” này mà non sông
mới được tô điểm, hoàn cảnh xã hội vật chất mới được cải thiện, con người mới
có kinh nghiệm qua một cuộc sống muôn mặt. Giai đoạn này gọi là Dương tiêu Âm
trưởng.
Giai
đoạn từ năm mươi trở về già là giai đoạn xuất thế, Đức Khổng-Tử nói: Giai đoạn
này đã biết mệnh trời (ngũ thập nhi tri Thiên-mệnh), là thời kỳ Âm tiêu Dương trưởng,
tinh thần đã biết hướng nội, tìm ra nguồn mạch cao cả của đời sống tâm linh,
biết dùng vật chất làm phương tiện để tô bồi tinh thần cho ngày thêm cao
thượng. Đó là những con người đã biết lẽ Trời, thoát vòng danh lợi, quay về tu
luyện bản thân, nêu gương sáng soi cho đời, mong kết hợp với Trời để được
trường sanh bất tử. Con người lý tưởng này biết dung hòa hai mặt “vật chất
tinh thần” uyển chuyển diễn tiến theo đà tuổi tác
như một bài thơ, một bản nhạc, tiết tấu hòa nhịp với Vũ-trụ trăng sao.
Quan
niệm Rồng Tiên là một quan niệm nhân sinh triết học đã được thực nghiệm qua
giòng sống sử của nòi giống từ buổi ban sơ. Tiên Rồng là hai thể âm dương biểu
tượng cho hai quan niệm duy tâm và duy vật hay linh-hồn và thể xác được chiêm
ngưỡng quý trọng ngang nhau, được quân bình trong một bản thể hay trong một xã
hội quốc gia. Tinh thần có sáng suốt, vật chất có dồi dào thì dân mới mạnh nước
mới giàu, xã hội mới có hòa bình hạnh phúc.
Đạo Rồng
Tiên kết hợp hay “Thiên-nhân hiệp nhất” hay “non nước chung tình” là cái Đạo
sống của nòi Lạc việt. Cho nên, Tản-Đà một thi hào của Việt Nam trong giây phút
lắng lòng cảm thông với Trời Đất, tâm hồn rung động trước bức tranh non nước
hữu tình nên đã viết thành bài thơ bất hủ, “THỀ NON NƯỚC”
“Nước non nặng một lời thề,
Nước đi
đi mãi không về cùng non.
Nhớ lời nguyện nước thề non,
Nước đi
chưa lại, non còn đứng trông.
Non cao những ngóng cùng trông,
Suối khô
giòng lệ chờ mong tháng ngày.
Xương mai một nắm hao gầy,
Tóc mây
một mái đã đầy tuyết sương.
Trời Tây ngã bóng tà dương,
Càng phơi
vẻ ngọc nét vàng phôi pha.
Non cao tuổi vẫn chưa già,
Non thời
nhớ nước, nước mà quên non.
Dù cho sông cạn đá mòn,
Còn non
còn nước hãy còn thề xưa.
Non cao đã biết hay chưa?
Nước đi ra
bể lại mưa về nguồn.
Nước non hội ngộ còn luôn,
Bảo cho
non biết chớ buồn làm chi.
Nước kia dầu hãy còn đi,
Ngàn dâu
xanh tốt non thì cứ vui.
Nghìn năm giao ước kết đôi,
Non non
nước nước chưa nguôi lời thề”.
Qua bài
thi, chúng ta thấy Tản-Đà đã dùng non nước để nói lên mối tình khắn khít giữa
thi sĩ và người tình nhân nào đó, hay là thi sĩ mượn lời non nước thở than để
gởi gắm tâm trạng thương nước yêu nòi của mình bị thực dân đô hộ.
“Non”
đây là người đàn bà chung-thủy vì lời thề nguyện mà suốt năm tháng đợi chờ, lâu
ngày đến nỗi mái tóc đã nhuộn đầy sương tuyết, suối lễ đã cạn khô, xương mai đã
mòn mõi hao gầy, vẻ ngọc ngà đã phôi pha cùng năm tháng, thế mà chưa thấy người
đàn ông trở về.
Còn
“Nước” kia có khác nào người đàn ông đang hăng say theo đuổi một lý tưởng, một
chí hướng nào đó, cuộc đời rày đây mai đó, gió bụi ngược xuôi, khiến mối tình
non nước phải lìa xa lâu ngày. Nhưng nước chảy mãi rồi cũng có ngày hiệp trở
lại cùng non theo luật tuần hoàn của Tạo-hóa. Khi chí nam nhi đã thỏa nguyện,
người đàn ông quày gót trở về sum họp với gia đình để giữ tròn thề xưa ước cũ.
Sự chia
ly non nước có khác nào sự chia ly của Lạc Long Quân và nàng Âu-Cơ. Long Quân
ra đi xuống biển (nhập thế) mang theo một bầu nhiệt huyết, chí quật cường, một
tâm hồn ưu tư khai phóng, mở mang bờ cõi, dựng nước nuôi dân, mong nòi Lạc Việt
ngày thêm sinh tụ, đúng như lời Nguyễn Công Trứ đã nói: “Nhập thế cuộc bất khả
vô công nghiệp, xuất mẫu hoài tiện thị hữu quân thân”.
Nàng
Âu-Cơ trở về núi (xuất thế) mang theo một tinh thần thoát tục, tháng ngày tiêu
dao cùng tuế nguyệt, mong hòa hiệp Đạo Âm-Dương để được trường sanh bất tử hòa
nhịp sống với đất Trời, vì nàng đã đạt được lý Thủy Hỏa khắc sinh, âm dương tán
tụ. Cho nên, non nước tuy chia tình, nhưng cũng có ngày tái ngộ.
“Non
cao có biết hay chưa?
Nước đi
ra biển lại mưa về nguồn”.
Khi nước
đã vượt qua khỏi các khe lạch sông ngòi, tung hoành trong bể cả mênh mông, hòa
mình trong bản thể xanh biếc đại đồng. Nước đã xuyên qua nhiều lần gạn lọc để
bốc hơi lên tụ lại thành mây bay về hội ngộ cùng non để rồi mưa xuống rửa sạch
bụi trần, giúp non kia giữ được màu thanh u sau những ngày đông hàn hạ nhiệt.
Rồng
Tiên chính là vật tổ Việt Nam biểu thị cho lý dung hòa của dân tộc, cái Đạo
xuất nhập của con người, một triết lý âm dương hiệp nhứt, chú trọng tinh thần,
bảo tồn vật chất, vật tâm tương ứng, khắc để mà sinh, mâu thuẫn mà không hề bị
tiêu diệt, trái lại còn đun đẩy cạnh tranh để tiên hóa. Đó chính là hồn dân tộc,
là nguồn sống miên viễn bất tận.
Dân tộc
Việt Nam phải thông đạt cái ý thức đó để quyết tâm khai quật tiềm năng hòa đồng
dân tộc, Bách Việt nhất gia, bắt nhịp cầu cảm thông Nam Bắc, khơi nguồn huyết
thống tổ tiên, sưởi ấm lại mối tình huynh đệ đồng bào, để dân tộc tránh được
họa diệt vong, gà trong nhà bôi mặt đá nhau đến độ xương trắng máu đào ngập
thành sông núi.
“Vận nước
dẫu suy vi tan tác,
Lòng dân từng trụy lạc tả
tơi,
Mặc cho thế sự đổi
dời,
Mà hồn non nước muôn đời còn
nguyên”
Nhờ tiềm năng cộng đồng dung hợp đã chứa đựng sâu xa trong
mọi tâm hồn của nòi Lạc Việt, nên người Việt Nam có đủ yếu tố căn bản, tạo thế
quân bình dung hòa trước mọi quan niệm dị đồng mâu thuẫn. Bất chấp mọi mưu đồ
từ đâu đưa đến, chúng ta phải nhất tâm cương quyết bảo vệ mảnh đất sống của
chúng ta từ Nam
quan đến Cà Mau, một dãy non sông cẩm tú, có núi sông hiểm trở, đồng ruộng phì
nhiêu, tài nguyên phong phú. Có người ngoại quốc đã nói: Việt Nam là ngã tư quốc tế, là hành lang
dòm ngó Thái Bình Dương. Nó còn là nhịp cầu nối liền giữa hai khối dân khổng lồ
là Trung Hoa và Ấn Độ.
Việt Nam là một vị trí quan trọng ngày mai kia sẽ trở thành
trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả một vùng trời Đông Nam Á, đúng như
lời tiên tri của Đạo Cao-Đài: “Việt Nam một nước nhỏ nhen trong vạn quốc mà
ngày sau làm chủ mới là kỳ”.
“Gởi gắm
cho nhau mối cảm tình,
Nam hòa Bắc thuận mới là xinh,
Chờ ngày Tổ đến đem nhau lại,
Thống nhất giang sơn tạo thái bình.”
III – SỨ
MẠNG HÒA GIẢI DÂN TỘC TRƯỚC TÌNH HÌNH KHẨN TRƯƠNG CỦA ĐẤT NƯỚC
- Danh nghĩa và chính nghĩa là vũ khí hòa giải dân tộc.
- Nhiệm vụ “HIẾU SINH” là lòng yêu nước chân thành của
các Tôn-Giáo.
Không bên nào có được chính nghĩa mà vẫn liều lĩnh gieo mình
vào cuộc chiến, đẩy dân-tộc vào thế tương tàn thảm khốc, chẳng có lợi gì cho
quốc gia dân tộc cả. Trước tình hình đó những người Việt Nam yêu nước, thiết
tha với sự tồn sinh của dân tộc, cần phải đứng ra tìm một giải pháp thích hợp
để mưu cầu hòa bình bảo tồn dân tộc.
Chúng ta biết rằng hoàn cảnh lịch sử Việt Nam đã không thuận tiện cho một sự
thống nhất ngay từ khi mới lật đổ Pháp. Chống đối và chia rẽ đã bộc phát từ
phút đầu tiên của những ngày thoáng qua ấy. Các nước ngoại bang lợi dụng sự
chia rẽ của dân tộc để tạo chân đứng tại Việt-Nam. Tình cảnh đó đã tạo một thí
điểm thuận lợi cho cuộc thử sức của hai phe Cộng Sản và Tự-Do. Cuộc chiến Việt-Nam hiện
đang diễn ra là sự thu gọn của thế cờ tranh chấp thế giới. Bao giờ thế giới chưa yên một mối, chưa đồng thỏa thuận
một quan điểm nhân sinh, chưa có sự nhân nhượng quyền lợi giữa các cường quốc,
thì vấn đề Việt Nam
chưa thể giải quyết một cách êm đẹp.
Cộng Sản có lý, hay Tự-Do có lý. Bên nào cũng có một bức
tường sắt để bảo vệ cho lý thuyết của mình. Chưa bên nào thuyết phục được bên
nào với tất cả sức mạnh tự nội. Bên nào đúng, bên nào sai, còn phải đợi chờ
lịch sử dạy cho bài học kinh nghiệm. Tuy nhiên, hai bên vẫn có quyền hành động
theo ý muốn của mình. Dân tộc việt Nam ở trong cái thế đó không nên
tham vọng tìm ngay đáp số của bài toán nhân loại. Đáp số sẽ chưa tìm ra, mà dân
tộc đã bị hủy diệt. Do đó, vấn đề hiện tại của những người Việt Nam yêu nước,
yêu đồng loại là phải lo cho sự sống còn của dân tộc.
Với những người Việt Nam hai bên chiến tuyến, có ai muốn
đem cả sinh linh dân tộc mình đốt cháy để làm thí nghiệm chăng? Chân lý chỉ có
khi con người còn sống để sống với nó mà cảm nghiệm nó. Với những người ngoại
quốc đứng bên lề hay trực tiếp nhúng tay vào cuộc chiến bằng cách giúp đỡ đôi
bên, lương tâm nhân loại của thế giới có chấp nhận cho việc gài bẫy để tiêu diệt
cả chủng loại Việt Nam
chăng?
Vì lẽ sống còn của dân tộc, vì lương tâm nhân loại không ai
không chấp nhận cần phải có cho Việt Nam một giải pháp hòa bình cấp thời, vì
không thể đánh nhau, đánh nhau mãi để đi vào con đường tiêu diệt. Bản án lịch
sử sẽ xét xử mỗi phe liên hệ trong cuộc chiên này. Không ai muốn nhận tội ác về
mình, nên không ai phản đối hòa bình. Nhưng hòa bình chưa thực hiện được vì ai
cũng nghi ngờ nhau, không ai dám ngừng tay trước, vì sợ kẻ thù quỷ quyệt sẽ lợi
dụng cơ hội để hạ nhục hay mưu hại mình. Vì thế đã đến lúc phải chấp nhận tiếng nói tự quyết của những người Việt Nam
tại giải đất Miền Nam
đang tranh chấp này. Nhưng đồng bào ở Miền Bắc, không phải hoàn toàn là người
Cộng Sản, đa số đồng bào ở Miền Nam này hiện không thích Công Sản mà cũng không
thích tham nhũng bất công. Họ chỉ thích làm một người dân trong một nước độc
lập, tự do trong một xã hội công bằng thịnh vượng. Đứng về bên này hay bên kia
chiến cuộc chỉ là điều bất đắc dĩ trong một chọn lựa cực khổ trong một quốc gia
đang bị phân tranh.
Bởi vậy, đã đến lúc người Việt Nam tại Miền Nam này cần phải
đứng lên nói lớn tiếng nói tự quyết của tâm tình tự nội ấy, để kêu gọi thế
giới, kêu gọi các phe lâm chiến cần phải dừng tay trong một giải pháp thích hợp
với ý nguyện của dân chúng Việt Nam.
Cái thế của Bắc Việt bây giờ là phải đứng về phe Cộng Sản để
dựa lưng Nga, Tàu cho khỏi bị Mỹ tiêu diệt; cái thế của chính phủ Miền Nam bầy
giờ có gì cũng phải đi đôi với Mỹ, nếu bị Mỹ bỏ rơi thì sẽ bị Cộng Sản tiêu
diệt. Nếu đứng vào một trong hai thế đó, chúng ta cũng phải gặp những khó khăn
không gỡ nổi. Chúng ta cần phải trở về với thế đứng của dân tộc để tạo một danh
nghĩa và chính nghĩa đích thực mà cả hai phe Cộng Sản và Quốc Gia đã đánh mất
cái lý đầu tiên khi giành được trong cuộc khởi nghĩa 1945, nên hậu quả đã kéo
cuộc chiên Việt Nam đến gần một phần tư thế kỷ vẫn chưa kết thúc, vì mất hết ý
nghĩa giải phóng dân tộc của một Quốc gia thuần túy.
Muốn điều chỉnh danh nghĩa và nắm được chính nghĩa đích
thực, để sửa
sai miền Bắc, cách mạng Miền Nam, củng cố và
phát huy tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc, đặt quan hệ bang giao với
các cường quốc có liên hệ với cuộc chiến tại việt Nam, trong một tinh thần thật
sự hổ tương đôi bên cùng có lợi trên nguyên tắc bình đẳng. Toàn thể nhân dân
Việt Nam
chúng ta phải ý thức rõ nhiệm vụ của mình trong sự nghiệp khó khăn và trọng đại
này để kiên định lập trường và thái độ của chúng ta.
- Lập trường của chúng ta là lập trường dân tộc.
- Thái độ của chúng ta là thái độ hòa giải.
- Chúng ta không được phép xem bên này hay bên kia là thù
địch.
- Chúng ta không được phép nhìn bên này hay bên kia một cách
méo mó đơn phương. Nhưng tuyệt đối, chúng ta phải tránh chủ nghĩa “đa nguyên”
bắt cá nhiều tay (ba phải).
- Chúng ta lại càng tránh lập trường dân tộc quá khích và thái độ
hòa giải tiêu cực, nghĩa là chúng ta sẵn sàng khuyến khích
đôi bên cứ đánh lớn đánh mạnh nếu cần, khi muốn thái độ hòa giải của mình được
đôi bên chấp nhận vì rằng:
- Hòa giải giữa lúc hai phe còn tự tin vào sức chiến thắng
của mình, thì hòa giải chỉ là trò đùa vô hiệu.
- Hai bên đã đến lúc tự thấy cần có lực lượng hòa giải để
làm chỗ dựa cho mình, mà hòa giải không đúng tư cách hòa giải, hoặc không đủ
năng lực hòa giải, thì sự hòa giải lại trở thành không tưởng.
Dùng vũ lực để chinh phục là việc thường tình, dùng chính
nghĩa để hòa giải cho một cuộc tương tàn tương tranh là một việc vô cùng phức
tạp và trọng đại. Nó đang đòi hỏi ở dân tộc một tấm lòng ưu ái nhiệt thành, một
tầm kiến thức phóng khoáng và toàn diện, một tinh thần vị tha tuyệt đối, một độ
lượng nhân ái phi thường, một năng lực sáng tạo toàn mỹ, toàn thiện. Cho nên,
bắt đầu trở về với cái thế dân tộc để sửa soạn cho thái độ hòa giải sắp tới,
chúng ta bắt đầu nghĩ ngay đến các lực lượng vô tư sống giữa niềm tin tưởng của
dân tộc, ấy là các lực lượng Tôn-Giáo. Đành rằng Đảng-phái là những tổ chức
thực tiễn đã theo sát những biến cố lịch sử, đã đóng góp rất nhiều máu nóng và
lệ nóng cho dân tộc, nhưng hiện tình đất nước và sự thực trong quá trình phân
hóa lịch sử dân tộc, dù bên này hay bên kia nhắc đến vấn đề đảng phái là đã đi
đến vấn đề “cá biệt”, là đã phạm chính sách hòa giải rồi. Và cũng do quá trình
biến cố của lịch sử, của dân tộc, mà Tôn-Giáo Việt Nam càng mang trách nhiệm lịch sử
trong vấn đề sinh tồn của dân tộc. Hơn nữa bất cứ quốc gia nào trước hiểm họa
chiến tranh của dân tộc đã đến hồi khốc liệt, tối thiểu các tôn giáo cần làm
nhiệm vụ “hiếu sinh” theo giới luật của mình, và một
dân tộc đang chịu đựng cùng cực thảm họa chiến tranh như dân tộc việt Nam ngày
nay, sự tồn sinh của chính mình không biết đặt vào đâu, chỉ còn hy vọng đặt vào
ý hướng hòa giải do lòng “nhân ái hiếu sinh” của các
Tôn-giáo tại quê hương này mà thôi.
Còn vấn đề chánh đảng, nói chung cả hai phe Cộng sản và Quốc
gia như trên đã nói, tất nhiên giá trị tranh đấu thực tiễn, thực dụng của nó
không ai có thể phủ nhận được; nhưng vì không muốn phạm vào chính sách hòa giải
dân tộc, các chánh đảng xét thấy cần hy sinh danh nghĩa nhỏ để hòa hợp trong
danh nghĩa lớn, sự hy sinh ấy là một cống hiến lớn lao trong sự nghiệp hòa giải
dân tộc. Vì mỗi phần tử trong các đảng phái phần lớn là tín đồ trong các
Tôn-giáo, đồng thời phải nghĩ ngay rằng: Các nhà lãnh đạo Tôn-giáo có tự tôn tự
mãn đến đâu cũng phải thấy rõ những khó khăn trong khả năng tranh đấu, không
phải là chuyện cần chiêm ngưỡng thần tượng Giáo Chủ mà tinh thông được.
Đôi bên giữa các Tôn-giáo và các đảng phái nói chung cần
phải có một nhận định đồng nhất biết người, biết ta, từ đó mới có thể đi tới
hòa hợp trong một trận thế “Liên Hoàn”, cùng nhau quyết định thiết lập một lực
lượng chung của các Tôn-giáo lấy tên là: Lực lượng nhân dân hòa giải dân tộc.
- Chánh nghĩa: Lực lượng phải
phát xuất từ nhân dân và trở về phục vụ cho nhân dân; giữ đúng căn bản lập
trường dân tộc và đường lối hòa giải.
- Sửa sai Miền Bắc.
- Cách mạng Miền Nam.
- Phát huy tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc và
lãnh thổ Việt Nam bất khả phân bởi chủ nghĩa bên này hay bên kia, bằng hình
thức này hoặc hình thức nọ, và danh nghĩa quốc gia phải được tồn sinh theo ý nghĩa
chân chính của nó bằng một thể chế “Cộng hòa dân chủ nhân dân”
Đặt quan hệ bang giao với các nước có liên hệ đến cuộc chiến
Việt Nam, kể cả đôi bên, nhất là Mỹ và Nga, trong một tinh thần hổ tương đôi
bên cùng có lợi trên nguyên tắc bình đẳng.
Tất cả các mục tiêu trong tôn chỉ và mục đích của lực lượng
thuộc nội trị và ngoại giao, ủy ban lãnh đạo Trung-ương của lực lượng phải cụ
thể bằng một cương lĩnh chính thức và phải nêu rõ trong một tuyên ngôn.
Về đường lối hòa giải, lực lượng càng không muốn bên này hoặc
bên kia lấn thế hay cưỡng ép nhau bằng những thủ đoạn hoặc những âm mưu đen
tối.
IV – SỨC
MẠNH HÒA GIẢI DÂN TỘC CỦA TÔN GIÁO
Tuy rằng nhiệm vụ và lòng hiếu sinh yêu nước là bản chất cố
hữu của mọi công dân, mọi tôn giáo, trong đó có các đảng phái chân chính, nhưng
tính chất đặc biệt xem như một di sản riêng của mỗi Tôn-giáo đến nay ai cũng
thấy rõ và thừa nhận rằng:
- Phật giáo có cái khối quần chúng nhân dân đông đảo.
- Công giáo có cái thế quốc tế, có các nước Tây phương ủng
hộ.
- Cao Đài Giáo có cái yếu tố dân tộc, có tinh thần dung hòa
tổng hợp, và suốt mấy thời kỳ vẫn giữ lập trường thuần túy trong sạch.
Lập trường của dân tộc dựa trên sự liên hiệp của các
Tôn-giáo, biết điều hành hổ trợ, cộng thêm sự giúp sức về nhân lực lẫn kinh
nghiệm của các nhà ái quốc vô tư đứng chung thành một lực lượng, thì tất nhiên
trên thực tế lực lượng sẽ trở thành một giao điểm cho hai Miền Nam Bắc, với
đường lối hòa giải không thù nghịch và là một sức mạnh khả dĩ làm thế quân bình
cho cả hai phe trong sự bang giao giữa hai nước Nga Mỹ.
Từ lực lượng là một giao điểm, từ lực lượng là thế quân bình
cho hai phe tranh chấp, lực lượng sẽ được dễ dàng với hai phe trao đổi lập
trường và chính kiến.
Trong đường lối hòa giải có lý, có lợi cho mỗi bên, tránh
được những bế tắt đáng tiếc hoặc những xung đột thường xảy ra trong khi sống
chung với nhau.
Giải pháp hòa bình như thế nào để có lý, có lợi, lực lượng
tùy nghi mà định đoạt, thể theo sự diễn tiến của cục diện tranh chấp nhưng nhất
định giải pháp ấy không thể vượt ngoài tôn chỉ và mục đích do cương lĩnh của
lực lượng đã tuyên bố.
V – KẾT
LUẬN:
Ai đang lúng túng vì chưa tìm ra lối thoát, ai đang mãi mê
theo công việc thường tình, ai đang ám ảnh bởi thành kiến cố chấp hoặc bi quan
tiêu cực. Giờ đây là một giờ phút vô cùng hệ trọng trong lịch sử đấu tranh của
dân tộc, giờ phút đang sửa soạn quyết định vận mệnh của quốc gia phải ngã theo
một chiều hướng, giờ phút tương lai dân tộc đang khẩn thiết cầu cứu ở những sức
mạnh nhân ái hiếu sinh tuyệt đối và lòng thương nước thương dân chân thành và
vô bờ bến của các đoàn thể tôn giáo, các cá nhân tâm huyết vì đại nghĩa vị tha,
cầu cứu đến cả các lực lượng của hai phe đang tranh chấp trong đà quá trớn, xin
hãy dừng tay, xin hãy xét lại mục đích chủ nghĩa của mình đang theo đuổi sau
bao tháng năm thực nghiệm bằng núi xương sông máu của giống nòi, bằng những sự
bất chấp thực tế và chánh nghĩa dân tộc, bằng sự lãng quên khí tiết truyền
thống của tiền nhân.
Giờ này đây, xin tất cả hãy tạm dừng lại, thực sự dừng lại,
tất cả đều cởi bỏ một quá khứ riêng tư cục bộ, một quá khứ hiểu lầm, một quá
khứ bị đè nặng bởi những định kiến cố chấp hoặc những thù nghịch cố định, bài
học thực tế đã đến lúc chứng nghiệm giúp chúng ta nhìn nhận một tầm độ phóng
khoáng, hòng biết được điều sai của mình, điều hay của kẻ khác một cách rõ ràng
đích thực và khách quan, nhất thiết đều đồng loạt hướng thẳng về tiền đồ của
dân tộc để định đặt cho lịch sử một chiều hướng chính xác mà chiều hướng đang
chờ đợi và cũng vừa đang đe dọa sự tồn sinh của chúng ta trong khi ngưng chiến.
Giờ phút quá khẩn thiết, nhiệm vụ quá cấp bách, không còn là một vấn đề thí
nghiệm chờ xem, tùy hứng hay là phi trách nhiệm nữa, mà nó là một nghĩa vụ cấp
cứu trọng đại, chuông và mõ “Hiếu sinh Bác ái” đã khẩn báo:
- Chúa cứu thế đã lên tiếng.
- Như-Lai từ phụ đã động tâm.
“Vạn năng Giáo Chủ” của các
Tôn-giáo đang tràn ngập luân lưu trong vạn hữu, trong không gian, trong lòng
đất Mẹ, để chuyển về trong đường gân, mạch máu, trong hơi thở, trong cảm giác
chúng ta một truyền cảm, một thông hiểu:
- Hãy vì sinh tồn vinh quang của giống nòi.
- Hãy vì truyền thống tự chủ bất khuất của Tổ Tiên.
- Hãy vì chính nghĩa và thực tế của dân tộc Việt Nam.
Tất cả hãy dừng tay lại, tất cả đều đồng loạt đứng lên để
tìm hiểu nhau một cách khách quan, để tha thứ nhau một cách độ lượng, chân
thành, để tự mình buộc tội mình một cách thành khẩn nghiêm minh. Đó là một ý
hướng tiến bộ trên quan điểm và lập trường dân tộc. Đó là một lợi thế trong
năng lực hòa giải dân tộc và kiến tạo hòa bình.
- Lập trường dân tộc nhất định thắng lợi.
- Sự nghiệp hòa giải nhất định thành công.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét