Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

BỬU PHÁP QUY TỨC







GIÁO SƯ NGỌC TRƯỜNG THANH
(Đạo hiệu Minh-Nhân)


Suốt cuộc đời theo THẦY xả thân học Đạo và hành Đạo, hướng dẫn Đạo-hữu theo đúng chân truyền Chánh Pháp của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ, như lời Đức Ngô-Minh-Chiêu dạy: “THỦ TRUNG ĐẮC MINH”, giữ vững lập trường không hướng thượng, hướng hạ, thiên tả, lệch hữu, một lòng “CHẤP TRUNG QUÁN NHẤT”, nên đã có hành động khế cơ hợp Đạo, với trọng trách chưởng quản cơ quan Phổ Tế Hội Thánh Truyền Giáo, tôi đã soạn và viết một số tác phẩm lưu truyền trong Đạo, góp phần xiển dương giáo lý, khai minh tâm đạo.


 
MỤC I: TÌM HIỂU BỬU PHÁP QUY TỨC
Xưa nay, sách kinh luyện Đạo thường nói đến pháp Quy Tức gọi là phép thở Rùa, rùa là thứ động vật, không cần ăn, chỉ thở cũng sống được. nó có thể sống dưới nước hay trên khô đều được cả.
Tâm pháp bí truyền của Cao-Đài Đại-Đạo do Đức Ngô-Minh-Chiêu làm chủ, Ngài truyền khí công luyện Đạo, cũng là phép thở Quy Tức gọi là nội tức. Buổi sanh tiền, Đức Ngô Đại Tiên truyền Pháp cho Ngài Chưởng Giáo Bùi Hà Thanh (đệ tử trực truyền), Ngài có dạy một câu bằng tiếng Pháp: “Mouvement respiratoire soufle lentement intra cosmique”. Nghĩa là động tác thở nhẹ, sâu, chậm, tiếp dẫn Khí Tiên-Thiên trong thân ta để tạo ra năng lượng Vũ-Trụ.
Đã từ lâu môn đồ thọ truyền Tâm pháp, ít người chú ý phân tích kiểu cách Ngài truyền, hoặc thiếu thiện duyên, hoặc công quả chưa đầy, công phu chưa chín, nên công đức chưa tròn, tu thì nhiều mà đạo quả còn rất khiêm tốn.
Trải qua nhiều năm tu học, kinh nghiệm bản thân, tôi được sự hướng dẫn của Chưởng Giáo Bùi Hà Thanh, được sự mật truyền của Thầy: “Công phu xuất hiện trong tim mà tìm”, nay được hiểu biết chút đỉnh, nguyện đem cái biết này chia sẽ cùng huynh đệ, tỷ muội, những người cần giải thoát, mong góp phần lý chứng, để anh chị em nghiên cứu thực hành, mưu cầu đạt đạo quả.
Muốn tìm hiểu Quy Tức, Đạo thường gọi là thở nội tức, thở rùa, thở bụng, thở rún, tên gọi tuy có khác nhau, nhưng cũng chỉ có một cách thở mà thôi. Mục đích thở là làm sao lấy được năng lượng Vũ-trụ trong thân ta, Đạo gọi là Khí Tiên-Thiên.
Để hiểu rõ pháp môn này ta phải tìm hiểu quẻ Sơn Lôi Di trong Kinh Dịch, vì hào sơ cửu của quẻ Di, ta thấy có hai chữ “Linh Quy”. Hào này giúp ta hiểu nhiều điều rất lý thú.
Quẻ Di là một quẻ trong Bát Trùng Quái, Đạo Dịch phần thượng kinh có bốn quái: Bát Thuần Càn, Bát Thuần Khôn, Bát Thuần Ly, Bát Thuần Khảm.
Hạ kinh có bốn trùng quái: Sơn Lôi Di, Trạch Phong Đại Quá, Phong Trạch Trung-Phu, Lôi Sơn Tiểu Quá. Gọi là Trùng Quái, vì Bát Quái xoay đủ tám vòng tạo thành tám quái trùng lặp trở lại, các quái đã được thuần chơn, có tâm nhất quán, không thay đổi, đạt đến nơi bất biến.
Quan sát bộ tiểu phục của Đức Giáo Tông trong Pháp Chánh Truyền, ta thấy Thầy dạy thêu trên bộ tiểu phục tám quẻ bằng vàng.
Cung Khảm tại hạ đơn điền, cung Cấn bên tay mặt, cung Chấn bên tay trái, cung Đoài bên vai mặt, cung Tốn bên vai trái, cung Ly ngay trái tim, cung Khôn ngay giữa lưng, đầu đội mão hiệp chưởng có thêu cung Càn.
Tôi có đề thơ rằng:
          Trên đầu ba nét cung Càn,
Sau lưng sáu nét rõ ràng cung Khôn.
          Tay trái cung Chấn ngưỡng bồn,
Tốn cung vai trái, chất Hồn Mộc Tinh.
          Tay mặt cung Cấn thổ sinh,
Cung Đoài vai mặt đẹp xinh Kim thành.
          Ly hỏa tại Tâm hồng danh,
Hạ điền Khảm Thủy khai sanh cuộc đời.
          Học tu tìm hiểu lý Trời,
Pháp luân thường chuyển dựng đời thượng ngươn.
Pháp Chánh Truyền THẦY dạy: “Giáo Tông là anh cả của các con, có quyền thay mặt Thầy mà dìu dắt các con trong đường Đạo và đường đời”. Ngài có bổn phận thiêng liêng là đem đạo vào đời, đem Bát Quái Dịch Kinh, áp dụng vào đời sống và cơ tiến hóa của nhân loại. Bát Quái Tiên-Thiên biến thành Bát-Quái Hậu-Thiên để độ rỗi chúng sanh trở về nguồn cội là chân như bản thể.
Ta có thể chia Bát-Quái Tiên-Thiên trên bộ tiểu phục của Giáo Tông thành ba hàng dọc và bốn hàng ngang, gắn tám quái vào để thấy quyền pháp cao cả của một vị Giáo-Tông Đại-Đạo. Ba hàng dọc, bốn hàng ngang tượng Trời ba Đất bốn (Tam Thiên, tứ địa).
Dưới đây là Bát-Quái Tiên-Thiên trên áo Giáo-Tông.


 
A. BA HÀNG DỌC:



1. Hàng dọc bên hữu: Vai bên hữu quẻ Đoài,tay bên hữu quẻ Cấn , Đoài trên Cấn dưới, giao nhau thành quẻ kép Trạch Sơn Hàm:
Ý nghĩa của quẻ Hàm: “Hàm giả cảm dã”, nghĩa của quẻ Hàm là thụ cảm, cảm ứng, cảm xúc, thọ nhận, nghĩ đến, nghe thấy, xúc động. Tượng của Hàm là: Nam nữ giao cảm chi tượng (Nam nữ có tình ý với nhau).
2. Hàng dọc bên tay tả: Đạo Dịch hễ có Dịch là có phản Dịch, có thuận phải có nghịch, quẻ Đoài lật ngược thành quẻ Tốn, quẻ Cấn lật ngược thành quẻ Chấn, Chấn trên Tốn dưới giao nhau thành quẻ kép Lôi Phong Hằng:  
Ý nghĩa của quẻ Hằng: Cửu dã nghĩa là lâu dài, trường cửu, thâm giao, nghĩa cố tri, xưa cũ, tượng nó “âm dương đạo chi tượng”, Đạo âm dương của Trời Đất.
3. Hành chính giữa: Khảm và Ly, nếu Khảm và Ly giao nhau, Khảm trên Ly dưới là quẻ Thủy-Hỏa Ký-Tế:
Ý nghĩa quẻ Ký-Tế: “Tế giả hiệp dã” nghĩa là hiệp lại, gặp nhau, đã xong, việc thành hiện thực, ích lợi nhỏ. Tượng của nó là: “Hanh tiểu giả chi tượng” (việc nhỏ thì thành). Nếu hai quẻ nghịch lại, Ly trên Khảm dưới thành quẻ kép: Hỏa-Thủy Vị-Tế:
Ý nghĩa của quẻ Vị-Tế, thất dã = thất cách, thất bát, mất, thất bại, dở dang, chưa xong, nửa chừng. Tượng của nó là: “Ưu trung vọng hỷ chi tượng” (tượng trong cái lo có cái mừng).
B. BỐN HÀNG NGANG, HAI HÀNG Ở VAI VÀ HAI HÀNG Ở TAY:

1- Hai vai Tốn Đoài giao nhau, Tốn trên Đoài dưới thành quẻ kép: Phong Trạch Trung Phu:
Ý nghĩa của quẻ Trung Phu: Tin thật trong lòng, trung thực, không ngờ vực, có uy tín, có tín ngưỡng. Tượng của quẻ: Nhu tại nội nhi đắc Trung chi tượng (âm ở trong mà được chính giữa đắc Trung).
2- Biến sáu hào của quẻ Trung-Phu, hào dương thành hào âm, hào âm thành hào dương, quẻ Trung-Phu biến thành quẻ: Lôi Sơn Tiểu Quá:
Ý nghĩa của quẻ Tiểu Quá: Bất túc, thiểu lý, bất cập, hèn mọn, nhỏ nhặt, bẩn thiểu, thiếu cường lực. Tượng của quẻ: Thượng hạ truân chuyên chi tượng (trên dưới gian nan, vất vả, buồn thảm).
3- Hai tay chắp lại, Cấn Chấn giao nhau thành quẻ Sơn Lôi Di.
Ý nghĩa của quẻ Di: nuôi dưỡng, chăm lo, ăn uống, tu bổ, bồi dưỡng. Ví nư Trời nuôi muôn vật, Thán nhân nuôi người. Tượng của quẻ: Phi Long nhập uyên chi tượng (Rồng vào vực nghỉ ngơi).
4- Biến sáu hào của quẻ Di, Hào dương biến ra Âm, Hào âm biến ra dương thành quẻ “Trạch-Phong Đại-Quá”:
Ý nghĩa của quẻ Đại-Quá: Họa dã; cả quá ắt tai họa, quá mức thường, thái quá, quá nhiều, giàu cương nghị ở trong. Tượng của quẻ: Nộn thảo kinh sương chi tượng (tượng cỏ non bị sương tuyết).

Còn hai quẻ: Càn trên đầu, Khôn giữa lưng, là tiêu biểu cho hai khí âm dương của Trời Đất, bao trùm khắp cả Vũ-trụ con người.
Hai khí vận hành suốt cả giờ, ngày, tháng, năm, không có giây phút nào ngừng. Khôn trên, Càn dưới tạo thành quẻ Địa Thiên Thái:
Ý nghĩa của quẻ Thái: Thôn suốt, điều hòa, an vui thịnh vượng, tượng của nó Thiên Địa hòa xướng chi tượng (Trời Đất giao nhau).
Nếu đặt nghịch lại Càn trên Khôn dưới là tượng quẻ Thiên Địa Bỉ:
Ý nghĩa của quẻ Bỉ: Bế tắt, gián cách, xa lìa, tượng của quẻ là: “Thượng hạ tiếm loạn chi tượng” (trên dưới lôi thôi, lộn xộn).
Đọc Dịch, ta thấy bốn quẻ Thái với Bỉ, Ký-Tế với Vị-Tế liên đới với nhau rất khắn khít, hễ vận hội Thái đến thì có Ký-Tế theo, cũng như gặp vận Bỉ thì Vị-Tế đến. Chúng ta đang hưởng Thái vận nhưng sẽ biết trước rằng sau đó thời Bỉ sẽ đến, cũng như thời đang Ký-Tế tiếp theo sau là Vị-Tế.
Thật ngao ngán cho khí số bất thường của Trời Đất, âm dương dịch động không ngừng, nhưng cũng rất may cho nhân loại, Trời vẫn dành hy vọng cho con người, thời vận Bỉ rồi sẽ đến Thái, Thái Bỉ vẫn tuần hoàn, nhật nguyện vãn vãng lai. Ký-Tế với Vị-Tế vẫn xoay đổi luôn, khác nào bốn mùa thay đổi: Xuân ôn, Thu lương, Đông hàn, Hạ nhiệt. Sự biến dịch tuần hoàn liên tục ấy, ngầm thúc đẩy cơ tiến hóa cho vạn loại.
Thấy rõ lẽ thạnh suy, Bỉ Thái của Đạo Trời, thì không còn gì thắc mắc nữa, muốn có được tinh thần bất biến, thì phải tu luyện thân tâm, mong đạt đến nơi Thuần Chơn vô ngã.
MỤC II: Ý NGHĨA QUẺ SƠN LÔI DI
Khi ngồi thiền định, tay trái và tay phải chắp lại bắt ấn tam tài để ngay tại đơn điền, dưới rún tại thành tượng quái “Sơn Lôi Di”. Nay ta tìm hiểu ý nghĩa đạo lý của quẻ Di.
Đạo Dịch xưa nay, tùy trình độ mỗi người mà ứng hóa, mỗi học giả dịch giải theo nhận thức, theo quan điểm và lập trường của mình, nhiều bạn học Dịch chán nản, thất vọng vì khó lý hội được tinh hoa của Kinh Dịch.
Cụ Ngô Tất Tố giải quẻ Di như sau:
“Nguyên văn lời kinh: Di, Trinh cát, quan Di tự cầu khẩu thực.
 Định nghĩa: Quẻ Di chính tốt, xem sự nuôi, tự tìm cái thực của miệng.
Giải nghĩa: Đạo của sự nuôi, hễ chính đạo thì tốt, người ta nuôi thân mình, nuôi đạo đức, nuôi người khác và được người khác nuôi, đều theo chính đạo thì tốt, Trời Đất tạo hóa nuôi nấng muôn vật, vật nào được sự thích nghi vật ấy cũng chính là chính đạo mà thôi. Xem sự nuôi, tự tìm cái thật của miệng. Nghĩa là xem cái người ta thửa nuôi và cách tự tìm cái thật của miệng họ, thì sự thiện ác lành dữ có thể thấy được.”
Cụ Phan Sào Nam giải: “Đạo Di có hai cách khác nhau, một phương diện là nuôi phần hồn, một phương diện là nuôi phần xác.
Nuôi đạo đức, nuôi tinh thần, nuôi tâm thuật, nuôi trí thức, nuôi chí khí … tổng chi là nuôi phần linh hồn.
Nuôi thân thể, nuôi vật chất, nuôi khẩu phúc, nuôi hình thức, tổng chi là nuôi phần thể xác.
Thánh-nhân dạy: Di, Trinh cát, nghĩa là công việc nuôi, vô luận thuộc về phần nào, cũng phải tất được chính mới lành, hễ cách nuôi được chính thì chắc người có nhân cách. Chỉ xem ở cách nuôi người, với cách tự cầu nuôi mình thì thiện ác kiết hung có thể đoán trước được.”
Kinh Dịch Cấu Hình Tư Tưởng Trung Quốc của Dương Ngọc Dũng và Lê Anh Minh giải quẻ Di: “Bói được quẻ này rất tốt, nghiên cứu quan sát, tự trông cậy vào bản thân mà kiếm cái ăn.”
Như trên, mỗi học giả giải một cách khác nhau, nhưng ý có phần giống nhau. Tóm lại Di là nuôi dưỡng, nuôi dưỡng có hai cách, nuôi phần xác và nuôi phần hồn, nuôi bằng cách nào, có được chính đạo, thuận lòng người là tốt.
Nay thử tìm “Ý tượng” của quẻ Di, Thánh-nhân nói tượng của quẻ là: “Phi Long nhập uyên chi tượng” tượng con Rồng vào vực nghỉ ngơi. Long là con Rồng thuộc huyền thoại, không ai thấy, Kinh Dịch dùng chỉ cái Linh-Khí, Tiên-Thiên-Khí, cái đức, cái ý chí, nguyện vọng sâu thẳm nơi con người. Rồng bay là chỉ cái khí hô hấp để sống, người ta cứ tưởng ăn uống để sống, ít ai chú ý đến hô hấp là sự sống quan trọng, nên các học giả chỉ bàn quẻ Di là ăn uống, là nuôi dưỡng bằng cái miệng, còn cách hít thở để sống thì chưa có một ai bàn đến.
Nay thử bàn Hào sơ của quẻ Di, để cùng nhau thấy sự hô hấp là điều rất quan trọng, đối với người tu luyện khí công lại càng tìm hiểu sâu xa. Nguyên văn Hào từ: Xả nhĩ Linh Quy, quan ngã đóa di, hung.
 Cụ Ngô Tất Tố dịch: “Bỏ con Rùa thiêng của mày, xem ta trễ mép, Hung, Hào sơ dương ở thế động lại ứng với hào lục tứ. Âm có sức hấp dẫn, sơ cửu vì ham muốn, tự mình làm mất bản lãnh của mình, hào dương mà theo hào âm, thì còn có việc gì mà nó không làm, thế nên hung.
Đóa di là trễ mép, người ta thấy đồ ăn mà phải trễ mép nhỏ dãi, cho nên mới dùng làm tượng.
Cụ Phan Sào Nam giảng Hào sơ của quẻ Di:
Xả là bỏ, Linh Quy là con rùa thiêng, đóa là dũ thọng, di là cằm mép, đóa di là dũ thọng cằm mép. Linh Quy là giống chỉ nuôi hơi mà không ăn. Ví dụ: Linh trí của người sáng. Đóa di là tượng người thấy đồ ăn mà thèm nên dũ thọng cằm mép xuống. Chữ “nhĩ” chỉ bản thân sơ cửu, chữ “ngã” chỉ cho lục tứ. Ý Thánh-nhân mượn tứ để nhiếc sơ rằng: “Sơ ơi! Mày bỏ óc khôn Linh Quy của mày (xã nhĩ Linh Quy), cứ dòm vào ta mà thọng cằm xuống (quan ngã đóa di) thiệt là quá xấu”. Nghĩa hào từ này chỉ thích mặt chữ là như thế, nhưng lấy nghĩa mà nói tắt lại là tức giận cho sơ mà mắng rằng: “Bỏ Linh-hồn khôn của mày mà chỉ chăm ở phần nuôi xác thịt, có gì là tốt đâu.
 Tượng viết: Quan ngã đóa di, diệt bất túc quý dã.
Sơ cửu dương cương, dương vẫn đáng quý, nhưng mà mê hoặc vì tư dục, dù có tài dương mạnh cũng không đáng quý (diệt bất túc quý dã).
Kinh Dịch Cấu Hình Tư Tưởng Trung Quốc” giải thích hào sơ cửu quẻ Di như sau: “Không ngó ngàng gì đến kho tàng quý báu chứa trong bản thân, lại đi dòm ngó tài vật nhỏ mọn của người khác sẽ gặp chuyện xấu thôi.
- Nguyễn Hiến Lê dịch: “Chú bỏ con rùa thiêng (tượng trưng phần tinh thần quý báu) của chú đi, mà cứ ngó ta tới xệ mép xuống, xấu.
- Nguyễn Duy Hinh dịch: “Bỏ con rùa thiêng của mày, nhìn ta xệ mép xuống, Hung.
- Trương thiện Văn và Hoàng Thọ Kỳ giải nghĩa: “Vứt bỏ bản chất tốt đẹp như con rùa linh của mình đi, mà nhìn ta xệ má ăn uống thì sẽ có nguy hiểm.
- Từ Tử Hùng dịch: “Tự mình tàng trữ tài vật số lượng lớn, lại còn thèm muốn của cải người khác, chắc chắn sẽ gặp sự nguy hiểm.
- Ông Wilhelm, một học giả người Đức dịch: “Một người bản chất tự nhiên và vị trí xã hội đang thích hợp để sống tự do và độc lập, lại đi từ bỏ cách sống tự mình trông dựa vào mình, để nhìn ngắm kẻ khác một cách bất mãn và ghen ghét, chỉ vì kẻ đó nhìn bể ngoài có vẻ sống trong cảnh ngon lành hơn mình, những sự ganh tỵ đê tiện như thế, chỉ khiến kẻ khác khinh bỉ cười chê mà thôi. Điều này gây ra những hậu quả xấu.
Đọc các lời giải thích Hào sơ cửu của quẻ Di, tôi thấy chưa thỏa mãn, vì các học giả chưa tâm đắc tinh nghĩa của nó.
Tôi xin thích nghĩa theo sự khảo cứu tìm hiểu hào sơ của quẻ Di như sau: “Xả” là bỏ, “nhĩ” là mày, tiếng chỉ người hay vật gì. “Linh Quy” là con Rùa Thần ở trong ta. “Quan” là quan sát, nhìn ngó. “Ngã” là ta, tôi, mình, cái mà mình coi là của mình, “Đóa” là bông hoa, “Di” là hai gò má.
Câu “Xả nhĩ Linh Quy, quan ngã đóa di ”, nghĩa là anh tự bỏ con rùa linh (Linh Thần) ở trong anh (Xả nhĩ Linh Quy), say mê người phụ nữ có đôi má đẹp như hoa, đó là điều xấu (quan ngã đóa di).
Người thanh niên muốn thưởng thức cái đẹp của phụ nữ, trước tiên là thích hôn đôi má hồng xinh đẹp, rồi từ đó bị sa ngã, dẫn đến tình yêu phàm tục, khi lòng dục khiến sai, tinh thần hôn ám, không đủ can đảm dập tắt lửa tình, tất nhiên là đánh mất Linh Quy. Linh Quy là Linh Khí do Tinh hoa sinh ra, mà Tinh mất thì Khí suy, Tinh Thần hôn ám, đâu còn trí tuệ nữa nên gọi là hung.
Sơ cửu là hào dương cương lại cảm ứng với hào lục tứ âm nhu, lại là người phụ nữ ở thượng cấp, có nhan sắc, có địa vị, tuy sơ cửu có tài trí, hiếu động, lại ở vào địa vị thấp trong tầng lớp xã hội, nhưng vì tương ứng với lục tứ quá nhạy cảm nên sơ cửu (chàng thanh niên) say đắm sắc đẹp đành bỏ mất Thần-minh (Linh Quy) của mình, chạy theo lòng ham muốn tình dục thấp hèn, đây là một sai lầm rất phổ biến trong xã hội. Khi thả khang dục tận thì tinh khô, huyết cạn, Thần Linh đâu còn, đó là “Xả nhĩ Linh Quy ”.
Có thơ rằng:
Nữ sắc đang xuân dáng mỹ miều,
  Tay cầm huệ kiếm chém người yêu,
  Chém hoài chẳng thấy đầu người rụng,
  Thỏn mỏn hại chàng Thần Khí tiêu!
Tìm hiểu Kinh Dịch là tìm nơi Thần Khí, Kinh Dịch là một thể linh, giáo sư Kim Định nói: “Dịch Kinh linh thể”. Thánh-nhân định nghĩa chữ dịch: “Dịch, vô tư dã, vô vi dã. Tịch nhiên bất động, cảm nhi toại thông thiên hạ”. Giải nghĩa: Dịch là bản thể chân như vô tư, Trung-dung yên lặng, không động không làm, mà mọi việc trong thiên hạ đều cảm ứng, đều có can thiệp vào một cách tự nhiên.
MỤC III: TÌM HIỂU LINH QUY
Sách Dịch viết: “Long mã phụ đồ, Linh Quy phụ thư”, nghĩa là con Long Mã chở bức Hà Đồ, con Linh Quy chở bức Lạc-Thư.
Thiện-Ngộ ngẫu cảm hai bản đồ lý số trên nên đã có thơ rằng:
    “Đồ thư hai bản còn nêu đó,
Cảm cảnh nhân gian bụi phủ mờ.
Các nền văn minh tôn giáo hay triết học dù Đông hay Tây, trải qua thời gian dài, có thiện mỹ đến đâu, rồi cũng phải bị con người làm lu mờ, suy thoái. Dịch học đã trải qua bảy ngàn năm tồn tại, tránh sao khỏi các thế lực, duy ý thức, duy vật, mê tín dị đoan làm lu mờ sai lạc, thất chân truyền. Đạo Dịch như giòng suối tâm linh đã bị lau che gai lấp, bụi thời gian đã phủ mờ, mặt trời chân lý đã bị mây mù che khuất từ lâu. Nay buổi hạ ngươn, con người đang hướng hạ, vật chất, danh lợi, tài sắc là miếng đỉnh chung, ai nấy tranh giành nhau, gây nên tai họa chiến tranh khắp cả toàn cầu, không tài nào tránh khỏi. Trời lại đến Việt-Nam lập Đạo, Ngài dạy tu để mở “MẮTTHẦN” soi rọi bốn phương, lập lại thế “TRUNG-HÒA”, An Vi minh triết, cùng nhau xây đắp nền văn minh đạo đức tinh thần, lập lại trật tự kỷ cương và sự quân bình xã hội cho địa cầu theo triết lý âm dương, ngũ hành hiệp nhứt.
Trong tập “Văn Minh Việt-Nam Qua Dịch Học”, tôi đã góp phần giải thích một ít chân truyền của Đạo Dịch, các bạn hãy tìm hiểu. Ở đây, tôi chỉ giải thích hai chữ Linh Quy trong hào sơ của quẻ Di.
Linh Quy là Rùa Thần, không cần ăn chỉ thở nội tức nên được sống lâu. Theo truyền sử Việt-Nam, thuở xưa, người “Việt Thường” có đem biếu cho vua Nghiêu một con Rùa Thần sống vạn năm, trên lưng Rùa có khắc chữ khoa đẩu để xem đấy mà làm lịch. Vào đời nhà Thục, khi An Dương Vương (Thục Phán) xây thành Cổ Loa, bị quỷ đến phá, Thần Kim Quy xuất hiện, giúp vua một cái “lẫy nỏ” để trừ loài ma quái.
Tại hồ Hoàn Kiếm, nay là Hồ Gươm, Linh Quy hiện lên giúp vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) một lưỡi gươm thần để đánh đuổi quân Tàu (nhà Minh) sang chiếm nước ta.
Nay ta hãy tìm ý tượng Linh Quy là gì? Đó là bản đồ Lạc-Thư minh triết.
Lạc-Thư có 9 số, bốn số dương:
9+1 được gắn trên trục dọc.
3+7 được gắn trên trục ngang.


Bốn số âm:
2+ 8 được gắn trên trục xéo góc từ phải qua trái.
4+6 được gắn trên trục xéo góc từ trái qua phải.
Số 5 được gọi là số Hoàng Cực (5) được đặt ở giữa trung tâm điểm.
Nghiên cứu đến độ sâu xa huyền bí, ta thấy trong đó ẩn chứa một nền minh triết “Trung-Hòa”, Trung-Hòa là nguồn gốc bản thể Vũ-trụ. Các con số chẵn lẽ tượng cho âm dương, ngũ-hành được đặt tại bốn phương, bốn hướng, giữa là số 5 trung tâm Hoàng-Cực, để được hiệp nhất hòa đồng với một mẫu số chung 15 cho bốn hàng, bốn cột, con số 15 là số huyền diệu linh thiêng. Nó huyền diệu vì nó chưởng quản 5 con số sanh ra ngũ hành.
Số dương 1 sanh Thủy, 3 sanh Mộc, 5 sanh Thổ, cộng lại (1+3+5) thành 9, gọi là cửu dương.
Số âm 2 sanh Hỏa, 4 sanh Kim, cộng lại (2+4) thành 6, gọi là lục âm.
Số cửu dương và lục âm (9+6) thành số 15. Số Lạc-Thư huyền diệu. Nó huyền diệu vì trong nó chứa đủ âm dương ngũ hành hiệp nhất. Số 15 cũng nói lên sự hòa hợp của trời-đất-người. Trời có ngũ khí, đất có ngũ phương, người có ngũ luân, thông hội hòa đồng trong một bản thể Vũ-trụ hay trong con người: “Tam bửu Tinh Khí Thần hiệp nhất nhờ tu tâm pháp bí truyền”.
Thân ta là một bản đồ Lạc-Thư (Linh Quy), ta phải làm thế nào để đạt được lý huyền diệu ấy. Thầy Mạnh Tử gọi lý ấy là “Khí Hạo Nhiên”, Ông nói: “Ngã thiện dưỡng ngô Hạo Nhiên chi khí”, ta thường nuôi dưỡng khí Hạo Nhiên trong ta. Khí ấy người ta cũng gọi là: Trường Sanh Khí, Kim Quang Khí, hay Tiên-Thiên Khí, tên có khác nhau nhưng chỉ có một khí mà thôi.
Muốn đạt được chân khí ấy, ta phải học cách hô hấp gọi là “Pháp Quy Tức”, cũng gọi là nội tức, có người gọi là thở bụng, thở rún, cũng cùng một cách thở mà thôi.
Người tu theo Cao-Đài Đại-Đạo, ăn chay từ 10 ngày trở lên, được thọ truyền Bửu Pháp, tức phép thở Quy Tức, để tập luyện khí âm dương ngũ hành hiệp nhứt thành Linh-Khí Tiên-Thiên, giúp cho thân thể tráng kiện, tinh thần minh mẫn, có đủ linh năng trực giác, phát huy nền văn minh đạo học, xây dựng thế giới mới theo mục tiêu: Bảo sanh, nhân nghĩa, đại đồng.
MỤC IV: ĐỘNG TÁC THỞ QUY TỨC NHƯ THẾ NÀO ?
Nay căn cứ theo 9 số trong bản đồ Lạc-Thư để giải thích:
9 số được sắp theo thứ tự 3 hàng 3 cột.

Bản đồ này âm làm chủ, dương phụ tá, trục dọc 2+8, trục ngang 4+6 tạo thành hình chữ thập

hai trục xéo góc: 

1+9, 3+7 nằm ở bốn góc.
Con số 5 đặt ở chính giữa.
Theo bản đồ thứ tự, tự nhiên, chỉ có bốn hàng xuyên qua tâm (5) cộng được 15, tức là hàng dọc, hàng ngang và hai hàng xéo góc. Còn bốn hàng xung quanh thì bất bình đẳng vì các số cộng có khác nhau.
Ví dụ:
Hàng trên cộng được 6 (1+2+3).
Hàng dưới cộng được 24 (7+8+9).
Hàng bên trái cộng được 12 (1+4+7).
Hàng bên phải cộng được 18 (3+6+9).
Hàng trên tạm gọi là duy thiên chỉ có 6 số, hàng dưới duy địa 24 số, theo đạo đất quá nhiều. Thiên tả có 12 số, thiên hữu 18 số (tả ít hữu nhiều). Bốn phương thiên hạ đều bất bình đẳng, nên xã hội loài người không được ổn định, không có hòa bình thạnh trị, cũng như trong thân ta: Tinh, Thần, Hồn, Phách, không quân bình, ý nghĩ tư tưởng hằng ngày giao động, thiên lệch không chấp trung, nên tâm hồn không thanh thản. Con người sống trong trạng thái âm dương trong người bất hòa, ngũ hành điên đảo, thì làm sao có hạnh phúc, làm sao không buồn rầu, bịnh đau chết chóc.
Thánh-nhân muốn có hòa bình trong thiên hạ, bốn biển đều là anh em (Tứ hải giai huynh đệ), cũng như châu thân con người, âm dương được hòa, ngũ hành hiệp nhứt, tam bửu hoàn nguyên, bèn xoay chuyển tám số âm dương, lấy số 5 làm tâm điểm bất dịch. Hễ số âm thì quay theo chiều thuận một cấp (45 độ), số dương thì quay theo chiều nghịch ba cấp (135 độ) tạo thành bản đồ Lạc-Thư và đọc câu thần chú để nhớ:
    Tứ hải tam sơn hữu bát tiên,
    Cửu long, ngũ hổ, nhứt Tề Thiên,
    Nhị nhân, thất tướng, phò lục quốc,
    Thập ngũ Lạc-Thư vị chi “Huyền”.
Khi bốn số âm và bốn số dương chuyển đổi theo đúng vị trí, thì bốn hàng xung quanh cộng đều được số 15. Bốn phương bốn hướng đều có một mẫu số chung, tất cả đều được bình đẳng, hòa đồng, thỏa mãn.
Đây là bản đồ lý số học, Lạc-Thư minh triết, ma phương sao Thổ, tiêu biểu cho nền văn minh Đạo Dịch, đã trải qua bảy ngàn năm do Đức Phục-Hy khai sáng, đã được phát huy tác dụng trong mọi lĩnh vực, mọi nguồn sống trong nền văn minh nhân loại xưa nay.
Muốn áp dụng Lạc-Thư vào Quy Tức, thì cứ theo số âm dương thuận nghịch mà hô hấp. Số âm là hơi thở vào 1 cấp độ 5 giây đồng hồ, số dương là hơi thở ra mà không phải đem hơi ra, mà là nén hơi thở xuống (nội tức) 3 cấp 135 độ tức là 15 giây đồng hồ, nhận khí bên trong quẻ Ly xuống quẻ Khảm, Khảm Ly giao nhau tại đơn điền, biến Khảm thành Khôn, Ly thành Càn, ấy là chiết Khảm điền Ly, Càn Khôn hoán tượng.
Cách nén hơi thở xuống tức là đem Thần Khí xuống “Hạ đơn điền” tại hai huyệt Khí Hải và Quan Nguyên. Thần ở đâu? THẦY đã dạy: “Bố trí cho chư đạo hữu con hiểu Thần cư tại nhãn, Thần ở đôi mắt, mà mắt thường dòm ngó bên ngoài (hướng ngoại) ít khi ngó vào tâm (hồi quan phản chiếu), còn phần Khí là hơi thở, tự do thở vào thở ra, Thần không bao giờ chú ý đến hơi thở, Thần Khí bất giao là giờ công phu không kết quả. Thần Khí cảm giao như hai quẻ Hàm, Hằng vậy. Nay muốn Thần-Khí đến được hạ đơn điền, thì phải luyện Pháp Quy Tức, có lấy được Khí Tiên-Thiên tức là Lửa Thần mới nấu luyện được Tinh hóa Khí, mới tạo ra năng lượng, sức mạnh của Khí Tiên-Thiên, Khí đó nuôi Thần ngày thêm sáng suốt. Đơn Kinh có dạy: “Dĩ hỏa chế Tinh, dĩ Thần kỵ Khí”, nghĩa là: Dùng lửa Thần để luyện Tinh, Thần luôn luôn đi đôi với Khí, cũng như Long tùng vân, Hổ tùng phong vậy.
MỤC V: PHƯƠNG PHÁP NGỒI THỞ QUY TỨC
Quy Tức là Bửu Pháp, Thánh ngôn Thầy dạy: “Đạo hữu ăn chay từ 10 ngày trở lên được thọ truyền Bửu Pháp.”
Khi công phu ngồi thở, tức là luyện khí công, phải thực hành các điểm sau đây:
1- Thắp 1 ngọn đèn để trước mặt, ngồi nhìn đèn an thần, để tư tưởng khỏi vọng động đảo điên.
2- Đốt một cây hương để độ giờ, thời công phu mới tập độ 30 phút.
3- Cách ngồi: Ngồi bán già hay kiết già, trên cái nệm, lưng thật thẳng, miệng ngậm, hai hàm răng khít lại, lưỡi sát hàm trên để hai mạch đốc nhâm giao nhau.
4- Trước khi thở đọc chú Kim Quang một bận và kệ luyện châu.
5- Đọc chú xong bắt đầu định thần theo hơi thở, thở vô đem dưỡng khí vào đầy bụng (phình bụng), độ 5 giây đồng hồ, thở vô theo Lạc-Thư là xoay số âm thuận 1 cấp 45 độ. Khi thở vô tư tưởng niệm danh hiệu Thầy một bận: Nam Mô Cao-Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma-Ha-Tát.
Thở ra mà không phải ra mà là nghịch chuyển (thở nội tức), mượn dưỡng khí Hậu-Thiên tiếp dẫn Khí Tiên-Thiên trong tâm, đưa xuống hạ đơn điền độ 15 giây, hơi thở dài gấp ba lần thở vào. Theo Lạc-Thư là xoay số dương đi nghịch lại ba cấp (135 độ). Thở chậm, bụng từ từ thóp lại, các cơ bắp bụng tự nhiên rút lên, tư tưởng niệm danh hiệu Chí-Tôn ba lần, mỗi lần đủ 12 chữ. Khi nhận khí xuống, nước miếng ở hai huyệt Kim Tân và Ngọc Dịch trào ra, ta hãy nuốt nước vào bụng, dường như đè tiếp khí xuống hạ điền. Nước miếng này gọi là huỳnh tương tửu hay rượu bồ đào, rất quý, rất bổ.
Khi thở là nhớ Thần-Khí phải đi chung, không lìa nhau được, suy nghĩ một đường, thở một ngã là thất bại. Thần là cái biết, biết mình đang thở vô, biết mình đang nhận khí Tiên-Thiên xuống hạ điền, từ quẻ Ly (Hỏa luân xa) xuống quẻ Khảm (Thủy luân xa). Biết lửa Thần đang tụ tại huyệt Quan Nguyên, nghe rún nóng hâm hấp là tốt, là đã lấy được lửa Thần. Con mắt ngó tại chỗ nào thì lửa thần lại tụ tại chỗ đó.
Lửa Thần là Bính Hỏa, là Tiên-Thiên-Khí, làm cho Tinh bốc thành Khí, Khí về nơi nguồn cội là bộ đầu (huyệt Bách Hội), ấy là hoàn tinh bổ não. Luyện được Tinh hóa Khí, dần dà hết tình dục, tức đoạn được dâm căn.
6- Khi công phu hấp khí độ 30 phút xong, thì tay trái bắt ấn tý để ngay tại huyệt (Trung-đình). Tay mặt xòe ra xoa bụng. Lấy rún làm đích, xoa tròn ba vòng, từ trái qua phải, đủ 36 vòng, vừa xoa vừa niệm câu chú của Thầy ba bận là đủ. Tiếp đến để tay qua bên mặt, xoa nghịch chiều 24 vòng, niệm chú Thầy hai bận là đủ.
Phần trên mặt chắp hai tay cọ sát cho nóng rồi để lên miệng vuốt sáu cái, mỗi cái vuốt ra đến xương cằm, và niệm sáu chữ: “Nam Mô Cao-Đài Tiên Ông”, mỗi cái vuốt là niệm một chữ.
Mũi cũng vuốt y như miệng ra đến lỗ tai và niệm chú sáu chữ.
Mắt cũng y như miệng và mũi, cộng ba cấp 18 cái vuốt là đủ.
Nhớ mỗi lần vuốt xong, phải chà sát hai bàn tay cho nóng mới vuốt bộ phận khác. Đến đây thờ công phu đã mãn.
7- Mỗi ngày công phu bốn thời, Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu, ngoài ra rãnh lúc nào tập lúc ấy càng tốt, các thời chính, ta phải làm hình thức cho y, còn ngoài ra không cần, ngồi thở ở đâu cũng tốt.
Đạo hữu tu một thời gian, khi nắm được hơi thở Quy Tức (nội tức) thì nên thọ truyền tâm pháp Chiếu-Minh để đoạt cơ giải thoát, siêu phàm nhập Thánh. Sau đây là đồ Lạc-Thư trong châu thân và đường Khí Tiên-Thiên đang lưu hành qua các tạng phủ.
BẢN ĐỒ KHÍ TIÊN THIÊN ĐANG LƯU HÀNH


CHÚ KIM QUANG

I. NGUYÊN ÂM:
1- Thiên địa huyền tôn,
2- Vạn khí bổn căn,
3- Quảng tu ức kiếp,
4- Chứng ngô thần thông,
5- Tam giới nội ngoại,
6- Duy đạo độc tôn,
7- Thể hữu Kim Quang,
8- Phúc ưởng ngô thân,
9- Thị chi bất kiến,
10- Thính chi bất văn,
11- Bao la thiên địa,
12- Dưỡng dục quần sanh,
13- Thọ trì vạn biến,
14- Thân hữu quang minh,
15- Tam giới thị vệ,
16- Ngũ đế tư nghinh,
17- Vạn thần triều lễ,
18- Dịch sử lôi đình,
19- Quỷ yêu tán đởm,
20- Tinh quái vong hình,
21- Nội hữu tích lịch,
22- Lôi thần ẩn danh,
23- Động tuệ giao triệt,
24- Ngũ khí huy đằng,
25- Kim Quang tốc hiện.
26- Phó hộ chơn hình,
27- Cấp cấp như Ngọc Hoàng,
      Quang giáng luật lệnh sắc.
II. PHIÊN ÂM:
1- Phép nhiệm mầu trời đất,
2- Gồm muôn khí bổn căn,
3- Rộng tu đà muôn kiếp,
4- Chứng ta được thần thông,
5- Khắp trong ngoài ba cõi,
6- Duy Đại-Đạo độc tôn,
7- Thể có Kim Quang hiện,
8- Che phủ kín mình ta,
9- Xem đó thì chẳng thấy,
10- Lóng đó thì chẳng nghe,
11- Bao trùm cùng Trời Đất,
12- Dưỡng dục cả quần sanh,
13- Thọ trì một muôn biến,
14- Mình bèn có quang minh,
15- Thần tam giới thị vệ,
16- Ty Ngũ Đế tiếp nghinh,
17- Cả muôn Thần chầu lễ,
18- Sai khiến dậy lôi đình,
19- Quỷ yêu đều vỡ mật,
20- Tinh quái thảy biệt hình,
21- Trong có tiếng sấm sét,
22- Vị Lôi Thần ẩn danh,
23- Thấu thông vây phủ khắp,
24- Năm khí chói rỡ mình,
25- Đạo Kim Quang mau hiện,
26- Che hộ lấy chơn hình,
27- Cấp cấp như Ngọc Hoàng,
      Quang giáng luật sắc lệnh.

KỆ LUYỆN CHÂU

Thế giới Càn-Khôn tóm một bầu,
Cao-Đài danh hiệu độ năm châu,
Siêu phàm nhập Thánh chơn thường lạc,
Khử ám hồi minh pháp nhiệm màu,
Thần khí vận hành thông vạn pháp,
Thân tâm thanh tịnh đạt thanh cao,
Cao-Đài niệm niệm Kim Quang hiện,
Đoạn nghiệt trừ phiền đệ nhứt châu.

MỤC VI: CÔNG PHU LUYỆN ĐẠO.

Bài luận giảng của Nữ Tu Ngọc Minh: Lê Thị Phi Phàm.
Minh-Nhân chấp bút (1996).
THI
Phi, thị, ngụy, chơn miễn luận bàn,
Phàm tâm hóa Thánh mới là ngoan,
Nương cơ Tuyển độ minh Chơn Pháp,
Bút Thánh truyền thông gởi mấy hàng.

KHOÁN THỦ
Thánh xuất “Nê Hoàn” chiếu điễn quang,
Nương mây cỡi hạc viếng trần gian,
Ngọc năng mài luyện sinh Thần Khí,
Minh chiếu Điền Trung đạt Đạo vàng.
Chơn Pháp trao truyền thành tâm chuyển,
Nhân tâm mê hoặc khó chung bàn,
cơ nương điễn bày tâm sự,
Bút Pháp luận đề: xuất thế gian.
Thế gian buồn khổ cảnh đời suy,
Ai biết tương lai xảy những gì?
Núi lở, đá tan bao xiết kể,
Đất bằng biển lấp có còn chi,
Lời Thầy chỉ giáo đành quên bẵn,
Phép quỷ say mê cũng lạ kỳ,
Bến giác đang chờ ai giác tỉnh,
Tìm về nguồn cội thoát ai bi!

Ai bi cảnh thế nghiệp hồng hoang,
Bế Đạo, tìm tâm mở lối đàng,
Tuyển độ môn đồ trau đức hạnh,
Trao truyền tâm pháp hưởng thanh nhàn,
Long Hoa võ luyện “Tinh sanh Khí”,
Di-Lặc văn phanh Khí hóa vàng,
Nâng phẩm nhân sinh đồng Thánh hóa,
Điễn Thiên chan bủa khắp dinh hoàn.

Dinh hoàn tiêu tức bởi âm dương,
Tụ tán Bát Môn học mới tường,
Sanh-hóa chung lò quy vạn chủng,
Giáng thăng Thần-Khí trụ Trung-ương,
Luyện Hồn, chế Phách Đông-Tây hiệp,
Hành Khí, chuyển Tinh, Thủy-Hỏa tường,
Quy kết tứ thời nhờ Ý Thổ,
Pháp luân năng chuyển pháp phi thường.

Phi thường làm đặng mới nên danh,
Thần, Thánh,  Phật, Tiên, chọn kẻ lành,
Khai khẩn tâm điền gieo giống tốt.
Thâm canh tịnh thổ kết duyên thành,
Thiên Đường thanh nhẹ không người đến,
Trần tục trược ô lắm kẻ dành,
Nhắn khách thiền môn đồng chí hướng,
Thanh tâm tiết dục pháp năng hành,

Năng hành thường nhật tứ thời thông,
Tý tấn dương, Ngọ thối âm đồng,
Mẹo, Dậu, điều hòa Hồn Phách định,
Hấp hô thong thả phép Huyền Công,
Lửa Thiên tẩy uế tâm còn vọng,
Ý dục tiêu trừ ý hết rong,
Trói được vượn lòng nhờ trí sáng,
Xác thân mừng hóa xác Tiên Ông.

Tiên Ông thường ngự tại tâm đầu,
Thần-Khí vô phương biết ở đâu?
Vạn Pháp quy Trung gôm tứ chính,
Nhất Thần minh chiếu khắp năm châu,
Chủ cơ nhựt nguyệt thường lai vãng.
Chưởng quảng Càn-Khôn lực tóm thâu.
Dưỡng dục muôn loài, sanh sanh hóa,
Cao-Đài quán triệt tại song mâu.

Song mâu biểu tượng lưỡng Long tranh,
Châu hiện mặt Trời châu đã thành,
Bát Nhã trí minh soi biển cả,
Bồ-Đề tâm huệ chiếu Trời xanh,
Sông Ngân nhấp nháy bầu tinh tú,
Bến giác tràn đầy bóng nguyệt thanh.
Mình đã ở đây, ai ở đó?
Hai ta là một, hết tương tranh.
Tương tranh mới ngộ bạn là ai?
Tìm kiếm nhiều năm thấm mệt nhoài,
Mãi tưởng nhân thân là thể xác,
Nào hay thể tính có Cao-Đài,
Phách-Hồn giao động không sanh có,
Hình thể đổi thay gái hóa trai,
Thành, trụ, hoại, không, cơ chuyển thế,
Quay về Tâm Pháp kiến Như-Lai.

Hôm nay, bần nữ về đây xin phép có vài ý kiến về pháp tu. Pháp tu là chỉ cách luyện khí do Đức Ngô Đại Tiên truyền dạy. Mượn khí Hậu-Thiên tiếp dẫn khí Tiên-Thiên, tịnh luyện để âm dương ngũ hành hiệp nhứt.
Đạo nào cũng cùng một chân lý, tìm hiểu căn nguyên của Vũ-trụ gồm có hai thế lực: 1- Thế lực Hậu-Thiên; 2- Thế lực Tiên-Thiên.
Kinh Ngọc Hoàng bửu cáo” có câu: “Tiên-Thiên, Hậu-Thiên Tịnh Dục Đại Từ Phụ”, gồm cả Khí Tiên-Thiên, góp cả Hậu-Thiên gọi là Tịnh Dục Đại Từ Phụ.
Thế lực Hậu-Thiên là Sanh Quang Khí (Khí sống) là Đức Mẹ, khí ấy trường tồn vô sở bất tại, không nơi nào là không có, thấm nhuần tất cả.
Tất cả những gì có hình tướng, tất cả những gì là sản phẩm của hóa hợp, đều bắt nguồn từ Hậu-thiên khí chất. Khí đó biến sanh không khí, chất lỏng, chất đặc, biến thành mặt trời, mặt trăng, trái đất và tinh tú v.v… Nó làm ra thân người, cầm thú, cây cỏ vạn vật, chúng sanh. Tất cả những gì ta thấy được dưới tầm mắt của chúng ta.
Vậy thế lực nào đã vận dụng khí Hậu-thiên để tạo ra Vũ-trụ. Ấy là thế lực của khí Tiên-Thiên (trong Khí Tiên-Thiên có Chơn-Thần Thượng-Đế).
Khí Tiên-Thiên cũng như khí Hậu-Thiên nó là “Lực năng động” vô lượng vô biên vừa mâu thuẫn, vừa thỏa hiệp, tương thôi, tương phản, tương thành, không có nơi nào là không có nó.
Khí Tiên-Thiên là nguồn sản xuất tất cả những thứ mà ta gọi là tinh lực, động lực, thế lực v.v… Nó biểu hiện dưới hình thức vận động, hấp dẫn lực, từ điện lực, thần kinh lực và tư tưởng lực. Tất cả tổng số các thế lực tinh thần hay vật lý hiện có trong Vũ-trụ đều gôm về bản thể, tức là trạng thái trở về nguồn gốc của chúng, gọi là “Tiên-Thiên Khí”.
Hậu-Thiên Khí và Tiên-Thiên Khí tác động với nhau mà thành trời đất vạn vật, chỗ này Dịch nói: “Nhất âm, nhất dương, chi vị Đạo”.
Người tu cần phải điều lý được cả hai, chấp nhận cả hai khí âm dương là hai nguyên lý mới đạt được Đạo Trung-hòa.
Phép luyện khí là phép chế luyện âm dương, chiết Khảm điền Ly, làm cho Khí Hậu-Thiên trở về với Khí Tiên-Thiên. Khi người ta nắm vững được khí Tiên-Thiên trong người thì sẽ mở được cánh cửa huyền bí của tạo hóa.
Người tu tâm pháp phải làm thế nào để tự mình có những thực chứng, thực nghiệm, hầu đánh tan mọi sự nghi ngờ, mọi điều mê muội, mọi sự sợ sệt, mọi sự đau khổ, đó chính là mục đích, là cứu cánh của con người.
Pháp tu là phép lấy lửa Thần, phải văn phanh võ luyện, phải tập trung tư tưởng dùng Mắt Thần điều hành Khí Hậu-Thiên và Khí Tiên-Thiên theo đường hô hấp, đi thẳng đến hạ đơn điền để Tinh sanh Khí, Khí nuôi Thần, gọi là hoàn tinh bổ não.
Khi ngồi thiền phải quán tưởng, phân tích những ý niệm, những tư tưởng tốt xấu, phải khám phá những hiện tượng mới phát sanh, phải rọi sáng những bí mật của bản thân và của Vũ-trụ.
Tâm pháp là một phương pháp có thể giúp con người thoát ly mọi đau khổ, mọi phiền não, thấy được cõi trần là nơi tạm trú, đem tâm mình hòa hợp với vạn vật chúng sanh, hòa hợp với Tâm phổ biến của Thượng-Đế hay của Đạo. Ấy là: Thiên-nhân hiệp-nhứt.
Bước đầu tu phải làm gì?
1- Ăn chay trường, giữ tam qui ngũ giới, thanh lọc tinh huyết trong bản thân.
2- Đời sống giản dị, trong sạch thanh liêm, chịu khổ hạnh, siêng năng học Đạo, lập công bồi đức, bố thí, nhẫn nhục, và nguyện hiến thân cho Thượng-Đế.
3- Lập đại thệ thọ tâm pháp, có Đạo-Sư chứng lễ và truyền dạy pháp môn.
4- Mỗi ngày bốn thời người tu tâm pháp phải công phu phanh luyện, điều tức, theo pháp Quy Tức, luyện Tinh, Khí Thần cho đến khi đạt đến ít nhiều trạng thái cao siêu.
Trong khi ngồi thiền, hồi quan phản chiếu, tức là xoay tinh thần vào bên trong thân, nghe hơi thở và nghiên cứu những vấn đề tâm lý của tự nhiên. Khi đó, ta sẽ thấy có một luồng khí hoạt động mãnh liệt phát sinh trong cơ thể, những dòng khí di chuyển và được điều khiển bởi một khí đạo mới. Trong thân tâm ta lúc bấy giờ có nhiều sự rung động mới phát sinh, và tất cả thân thể ta dường như được cải tạo mới. Một cuộc cách mạng bản thân vô cùng vĩ đại.
Trong thân thể chúng ta, hô hấp là cơ quan trọng yếu, nếu chúng ta nắm được nó, tập điều khiển được nó, thì chúng ta mới vận chuyển được những dòng thần kinh lực, rồi đến những tư tưởng của chúng ta, và cuối cùng ta gặp lại “CHÂN-THẦN” của chúng ta, chừng đó mới gọi là tự do giải thoát, mới mở được MẮT THẦN.
Đối với thân thể của chúng ta, chúng ta không biết gì trong đó cả, tại sao thế? Bởi vì năng lực chú ý của chúng ta không hướng vào nội tâm, nên không đủ sức phân biện để cảm biết những vận động, những ý niệm tinh vi đang hoạt động trong người của chúng ta.
Chúng ta chỉ có thể nhận thức được những vận động đó khi nào tinh thần đã được tập trung, điêu luyện và hướng sâu vào tiềm thức để quan sát.
Chúng ta muốn có những trí giác tinh vi phải bắt đầu từ những trí giác thô sơ. Chúng ta phải bắt đầu làm chủ cái gì đang chủ động trọn bộ máy cơ thể. Cái đó vốn là Hơi Thở, chúng ta lần theo hơi thở đi sâu vào cơ thể. Nhờ đó, chúng ta có thể cảm biết được những thế lực tinh vi, tức là những dòng thần kinh chạy khắp châu thân, tinh thần cũng do các dòng thần kinh đó điều khiển. Khi nắm được hơi thở và tinh thần (Thần Khí), chúng ta sẽ đạt đến trạng thái hoàn toàn làm chủ cả thể xác và tinh thần. Cả hai đều là công cụ tôi tớ của chúng ta. Chúng ta đã phục được Linh Tánh, thân thể, lý trí và tình cảm của chúng ta đã có ngôi Thần làm chủ (Chủ Nhân Ông) hằng sai khiến chúng ta làm điều thiện tránh điều ác. Được vậy, mới hiểu Thánh ý THẦY đã dạy: “Thầy là các con, các con là Thầy”.
Được sanh làm người đã là điều cao quý nhất trên địa cầu, các bậc Chư Thiên, hay Thánh, Thần, Tiên, Phật, cũng nhờ hạ trần mang lốt người để đạt Đạo. Các đấng Giáo-chủ: Thích-ca, Jésus Chirst, Lão-Tử, Khổng-Tử v.v… Cũng là người tu đắc Đạo.
 Những điều minh luận của bần nữ, đã có sẵn kinh sách truyền tụng lâu đời, không có gì mới lạ! Sở dĩ bần nữ muốn nhắc lại cho chư huynh đệ tỷ muội hiểu rõ ràng, để thực hành tâm pháp, tìm lại ngôi Thần của mình đã bị thất lạc, phục lại Linh Tánh của mình đã bị lu mờ, trước bao hoàn cảnh đẩy xô, trào lưu vật chất đang cuốn lôi nghiệt ngã.
THẦYđã dạy:
                       “Nền Đại-Đạo trang bằng rất quý,
                          Mối Vô-vi Âu Mỹ đang tìm;
                               Thầy thương, Thầy dạy tấc tim,
                   Sao con nỡ để sắn bìm phủ leo!”
Tu luyện tâm pháp là điều rất quý, nhưng không gặp được Minh Sư chỉ truyền thì cũng khó mong kết quả. Trước khi ngưng điễn, bần nữ xin nhắc lại vài câu để làm kỷ niệm:
                   “Tu hành có dễ gì đâu?
        Lạc sai luyện đến bạc đầu như không!”
                             *   *   *
                                     “Hỏa hậu tuy rằng chẳng khá truyền,
Tùy cơ lặng dắt đến huyền huyền,
Rõ xem ngàn Thánh xưa qua đó,
Hô hấp phân minh chứng Đạo Tiên.”

MỤC VII:
TRÍCH BA BÀI THƠ CỦA ĐỨC NGÔ ĐẠI TIÊN DẠY VỀ TÂM PHÁP.

Sau mười năm công phu luyện Đạo, tức là từ năm 1920 đến năm 1930, Ngài có viết một số bài thơ dạy Đạo, tôi trích ba bài sau đây để môn đồ tâm pháp đọc kỹ để làm tài liệu kiểm tu trên bước đường luyện Đạo.

THI

1- “Trai giới mấy năm luyện thuốc Trời,
      Xong rồi nhân đạo sẽ xa chơi,
      Ơn đền nghĩa trả công Nhà-nước,
      Một tấm lòng này, vững chẳng vơi!
2- “Mắt Trời luân chuyển xem người thế,
      Tru diệt quân hung, giúp kẻ hiền,
      Oai sấm, phép thần trừ xảo kế,
      Chẳng dung một mảy phạt liên miên…”
3- Bài Thập Thủ Liên Hoàn dạy luyện Đạo:

Nghĩ ở lâu ngày có ích chi,
Tu hành cần mẫn phải từ bi;
Ta bà khắp chỗ đâu rằng Đạo,
Đạo tại trong thân, chẳng khó gì!

Khó gì giữ chặt tấm lòng bền,
Chẳng giận, chẳng hờn, Đạo mới nên;
Lẳng lặng trong veo dường thể nước,
Ấm no vừa đủ, luyện đừng quên.

Đừng quên hớp khí bốn giờ thanh,
Tý-Ngọ siêng lo, Mẹo-Dậu rành;
Buồn ngủ vì đầy bao tử nước,
Bỏ ngoài việc thế lúc ngồi khoanh.

Ngồi khoanh chuyển nhịp phép Cao-Tiên,
Ba hiệp một giờ bản Đạo Thiền;
Trí tưởng ơn Thầy năng tiếp độ,
Mắt nhìn ngọn lửa chớ đảo điên!

Đảo điên chẳng khác vượn xa nhành,
Chủ vắng trong nhà ai điểm canh;
Lục dục, thất tình xô xúi mãi,
Lâu ngày mỏi chí bỏ tu hành.

Tu hành chẳng Phật cũng thời Tiên,
Công khó mãi mê tánh mới hiền;
Nếu dễ thành Tiên thầy khỏi dạy,
Tỉnh hồn cho chóng, tập cho siêng.
Cho siêng chớ để lạnh trong mình,
Thâu khí ngoài trời biến lửa tinh;
Mũi hít vào trong vừa đủ phải,
Tự nhiên lửa mát khỏi thiêu hình.

Thiêu hình bởi lửa cháy tưng bừng,
Phải biết lo lường bớt chuyển lung;
Xuôi cẳn, xuôi tay, cách bớt lửa,
Cò queo ngon giấc chẳng còn hung.

Còn hung lửa ấy nợ tiền khiên,
Chóng chóng mua chim cá thả liền;
Xài phí nhín tiền làm phước kín,
Trại hàng gởi bạc, thí hòm riêng.

Hòm riêng bố thí là cầu thọ,
Quấy phải mặc người đừng cải cọ;
Tu luyện lâu năm rõ Đạo mầu,
Tiên truyền Tân-Dậu, Phủ Chiêu thọ.

Sử gia Đồng-Tân nhận xét: “Các bài thi trên đây quả là những bài học thực nghiệm của Ngài đã lãnh hội từ Đức Cao-Đài từ năm Tân-Dậu.
Người ta thấy rõ phương thức tu luyện và những cách làm âm chất để giúp cho sự tu hành có kết quả, chính Ngài đã làm và truyền lại cho chư đệ tử như thế, không phải là sự vay mượn ở đâu đâu.”


PHỤ LỤC THÁNH NGÔN HIỆP TUYỂN

Ngọc Đàn (Cần Giuộc)
Samedi, 17 Jullet 1926 (8-6 B.D.)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG-ĐẾ VIẾT CAO-ĐÀI TIÊN ÔNG
ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT GIÁO ĐẠO NAM PHƯƠNG.
Hỉ chư môn đệ, chư ái nữ.
Đại hỉ! Đại hỉ!
Ngọc Đầu Sư khả tu truyền Pháp, thuyết Đạo.
Kẻ nào trai giới đặng mười ngày đổ lên, thọ Bửu Pháp đặng.
Chư môn đệ phải trai giới.
Vì tại sao?
Chẳng phải Thầy còn buộc theo Cựu luật, song luật ấy rất nên quý báu, không giữ chẳng hề thành Tiên Phật đặng.
Thầy cắt nghĩa:
Mỗi kẻ phàm dưới thế nầy đều có hai xác thân. Một phàm gọi là Corporel, còn một thiêng liêng gọi là Spirituel. Mà cái thiêng liêng do nơi cái phàm mà ra nên gọi là bán hữu hình, vì có thể thấy đặng mà cũng có thể không thấy đặng.
Cái xác vô hình huyền diệu thiêng liêng do nơi Tinh, Khí, Thần mà luyện thành. Nó nhẹ hơn không khí.
Nơi xác phàm xuất ra thì lấy hình ảnh của xác phàm như khuôn in rập. Còn khi đắc Đạo mà có Tinh, Khí, không có Thần thì không thể nhập mà hằng sống đặng.
Còn có Thần không có Tinh, Khí thì khó hườn đặng Nhị Xác Thân.
Vậy ba món báu ấy phải hiệp mới đặng.
Nó vẫn là chất, tức hiệp với không khí Tiên-Thiên, mà trong Khí Tiên-Thiên thì hằng có điễn quang. Cái Chơn-Thần buộc phải tinh tấn, trong sạch mới nhẹ nhàng hơn không khí, ra khỏi ngoài Càn-Khôn đặng.
Nó phải có bổn nguyên chí Thánh, chí Tiên, chí Phật mới xuất Thánh, Tiên, Phật đặng.
Nó phải có một thân phàm tinh khiết mới xuất Chơn Thần tinh khiết.
Nếu như các con còn ăn mặn luyện Đạo rủi có ấn chứng thì làm sao mà giải tán cho đặng?
Như rủi bị hườn thì đến khi đắc Đạo, cái trược khí ấy vẫn còn mà trược khí thì lại là vật chất tiếp điễn (bon con ducteur d’ électricité), thì chưa ra khỏi lằn không khí đã bị sét đánh tiêu diệt. Còn như biết khôn thì ẩn núp tại thế làm một bậc Nhân-Tiên thì kiếp đọa trần cũng còn chưa mãn.
Vì vậy, Thầy buộc các con phải trường trai mới đặng luyện Đạo.

Jeudi 22 Juilet 1926 (13-6 B.D)
Sự chết, thường thế gian gọi chết là hết, là vì dốt, không biết Đạo, nên tưởng lầm.
Khắp trong nhơn loại trên mặt địa cầù nầy, phần đông vì kính thờ Tà quái mà Tà quái vốn chứa sự chết, thì tức nhiên chúng nó ở trong vòng sự chết là phải tiêu diệt; thì bao giờ biết đặng sự hằng sống là gì. Cười… Nếu Thầy không đến kịp thì các con cũng vẫn ở trong vòng sự chết.
Tà mị cũng như một hột lúa bị hẩm mà thúi thì thế nào mọc đặng mà sanh bông trổ trái?
Còn bậc chơn tu tỉ như một hột giống tốt, hễ gieo xuống thì cây lên, cây lên thì trổ bông, trổ bông rồi sanh trái mà biến biến, sanh sanh càng tăng số. Vì vậy mà các con phải bỏ xác trần mà bông trái thiêng liêng các con sanh hóa Chơn Thần; Chơn Thần lại biến hằng muôn thêm số tăng lên hoài. Ấy là Đạo. Bởi vậy một Chơn-Thần Thầy mà sanh hóa thêm chư Phật, chư Tiên, chư Thánh, chư Thần và toàn cả nhơn loại trong Càn-Khôn Thế-Giới; nên chi các con là Thầy, Thầy là các con.
Như kẻ bên Phật Giáo hay tặng Nhiên Đăng là Chưởng giáo; Nhiên Đăng vốn sanh ra đời Hiên Viên Huỳnh Đế.
Người gọi Quan Âm là Nữ Phật Tông, mà Quan Âm vốn là Từ Hàng Đạo Nhân biến thân, Từ Hàng lại sanh ra lúc Phong Thần đời nhà Thương.
Người gọi Thích Ca Mâu Ni là Phật Tổ, Thích Ca vốn sanh ra đời nhà Châu.
Người gọi Jésus là Thánh Đạo chưởng giáo thì Jésus lại sanh nhằm đời nhà Hớn.
Thầy hỏi vậy chớ ai sanh ra các Đấng ấy?
Khí Hư Vô sanh có một mình Thầy. Còn mấy đấng Thầy kể đó ai sanh? Ấy là Đạo. Các con nên biết.
Nếu không có Thầy thì không có chi trong Càn-Khôn Thế Giới nầy, mà nếu không có Hư Vô Chi Khí thì không có Thầy.





ĐỀ TÀI THẢO LUẬN

TÔN CHỈ ĐẠO CAO ĐÀI
Tam Giáo Quy Nguyên, Ngũ Chi Phục Nhất.


Nhân ngày 13-3 năm Canh Dần (2010). Ngày đăng tiên của Đức Ngôi Hai Đại Tiên Ngô Minh Chiêu, tôi Đạo Sư Minh Nhân có đem đề tài “Tam Giáo quy nguyên, Ngũ Chi phục nhất” thảo luận cùng huynh đệ để suốt thông tôn chỉ Đạo Cao Đài. 
Trước tiên là ý nghĩa chữ Tông Chỉ
Chữ Tông một chấm đầu, là Bộ chủ. Chủ đây là chủ đích, nhất tâm, là Ngôi Một. Vạn vật có một đấng chủ tể (Ông Trời).
Bộ mịch là: vắng vẻ, yên lặng, bầu Trời đen yên lặng (Huyền Khung) bao trùm tất cả.
Bộ miên tượng Vũ-Trụ có một đấng làm chủ cai quản bao trùm tất cả.
Chữ Thị: Thần Đất, một âm là bảo cho biết, mách bảo. Nghĩa chữ tông thông thường là ông Tông. Ông Tổ thứ nhất là ngôi một, Ông Tông là ngôi hai.
Chữ Tông theo tâm pháp có nghĩa là bảo cho mọi người biết: Trong Vũ-Trụ có một đấng duy nhất (Ông Trời) làm chủ, cầm quyền cai quản cả Càn-Khôn thế giới.
Chữ Chỉ có nghĩa là dừng lại (chỉ bộ) thôi như cấm chỉ, ở chỗ nào? Như chỉ ư chí thiện, ý chỉ như “Kỳ chỉ viễn” nghĩa là hàm chứa ý tứ sâu xa.
Tông chỉ ở đây là tư tưởng chủ não, hàm chứa ý chỉ sâu xa, tinh mật. Người môn đồ tu học phải có tầm nhìn sâu xa, phải phân tích sự vật đến nơi đến chốn để khỏi mê tín, hay lạc vào bàn môn tả đạo.
Tôn chỉ Đạo Cao Đài là gì? Là Qui nguyên Tam Giáo, nghĩa là ba Tôn Giáo: Phật Giáo, Lão Giáo và Nho Giáo (Phật, Tiên, Thánh) đều chung một nguồn gốc, chân như thực thể. Ngũ chi hiệp nhất là năm chi: Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo, Phật Đạo đều thống nhất trong một bản thể.
Tư tưởng chủ đích của Đạo Cao-Đài là dạy cho đạo hữu biết rõ: Các Tôn Giáo cùng một nguồn gốc mà ra, phải biết thương yêu đoàn kết, tôn trọng lẩn nhau, cùng nhau chung sống, giúp nhau tiến hóa trên đường “Chân, Thiện, Mỹ”. Có thế mới tránh nạn đem Thánh chọi Thần, chê Tiên khen Phật, gây nên cuộc chiến tranh Tôn Giáo, tàn sát lẫn nhau, còn chi là lương tâm, công lý.
Trên Đây là giải phần hữu-vi Pháp, còn phần vô-vi Pháp thì sao?
Ta nên hiểu con số 3 và số 5 ẩn tàng trong mọi lãnh vực như:
    Phật thì có: Tam Qui Ngũ Giới.
    Tiên thì có: Tam Bửu Ngũ Hành.
    Thánh thì có: Tam Cang Ngũ Thường.
    Trời thì có: Tam Quang: Nhựt, Nguyệt, Tinh và Ngũ Khí.
    Đất thì có: Tam bảo: Thủy, Hỏa, Phong và Ngũ Phương.
 Nay trích một bài Thánh Giáo Thầy dạy để huynh đệ thảo luận:
                  “Ngươn Thần, ngươn Khí với ngươn Tinh,
  Ráp lại lâu lâu nó tượng hình.
  Phá cửa Linh Đài vào bái Phật,
  Ngũ hành hiệp nhất mới mầu linh.”
Nay ta thử đặt câu hỏi: Công thức ráp Ngươn Thần, Ngươn Khí với Ngươn Tinh như thế nào?
Trước tiên ta phải biết Tam Bửu là “Tinh-Khí-Thần”. Vậy Tinh do đâu sanh ra?
Tinh là Nước, Nước do Kim sanh ra (Kim sanh Thủy).
    Số của Kim là Tứ và Cửu (Tứ Cửu Kim).
    Số của Thủy là Nhất và Lục (Nhất lục Thủy).
Số sanh của Kim 4 cộng với số sanh của Thuỷ 1: 4+1=5. Số thành của Kim 9 cộng với số thành của Thuỷ 6: 9+6=15.
Hỏa do Mộc sanh ra (Mộc sanh Hỏa).
Ø    Số sanh thành của Mộc là 3,8 (Tam Bát Mộc).
Ø    Số sanh thành của Hỏa là 2,7 (Nhị Thất Hỏa).
Cộng số hai số sanh: 2+3=5, và hai số thành: 8+7=15.
Còn hành Thổ thuộc khí: Số 5 và 15. Thiên Ngũ sanh Thổ, Địa Thập thành Thổ.
Như trên đã chứng minh:
Hành Hỏa là Thần có số 5 và 15.
Hành Thủy là Tinh có số 5 và 15.
Hành Thổ là Khí có số 5 và 15
Ta cộng số “Tinh-Khí-Thần” hiệp nhất thành: 3x(5 và 15) thành 15 và 45.
Vậy “Tinh-Khí-Thần” ráp lại nó tượng hình gì?
 Nó tượng hình số 15 là Huyền Khí của Mẹ (Diêu-Trì Kim Mẫu). Số 45 là số của Lạc-Thư 9 cung bình đẳng, hòa đồng. Câu Thánh Giáo:
                “Ngươn Thần, ngươn Khí với ngươn Tinh,
Ráp lại lâu lâu nó tượng hình”.
Đó là hình Lạc Thư, tượng Âm Dương hòa, Ngũ Hành bình. Tượng hình đất vuông thành tròn, bốn phương, bốn hướng thành vòng khí tròn gọi là Vô-Cực Từ Tôn, tất cả đều công bằng, bình đẳng, vô đối, cho nên Thánh Giáo có dạy:

       “Xót nhân loại ăn sầu nuốt thảm,
          Động từ tâm, hoài cảm Chí Tôn,
Sông mê giục trống tỉnh hồn,
Giác mê khải ngộ bảo tồn linh sanh.
Lửa phiền não Nam thành hực hực,
Nước Cam Lồ rưới tắt như không.
Làm cho dân Việt thỏa lòng,
Hòa bình lập trụ, đại đồng trúc cơ.”

Vậy công phu ngồi luyện Tinh-Khí-Thần là một công trình vĩ đại: Tạo hòa bình lập trụ và đại đồng trúc cơ trong thân tâm của mỗi môn đồ Đại Đạo. Cho nên Thầy đã dạy: “Mỗi môn đệ Cao Đài là một động cơ xây dựng hòa bình cho nhân loại”.
Dưới đây là đồ hình Kim Mẫu lấy Mộc Công sinh ra Thủy Tinh Tử và Xích Tinh Tử:
 

Câu thứ ba:
“Phá cửa Linh Đài vào bái Phật” là sao?
Khi Tinh-Khí-Thần đã đắc nhất, tức là ba con vượn lòng đã thành nhất thể, “Tam tâm đảnh lễ” nghĩa là ba tâm đồng đảnh lễ Phật, tức là người tu đã kiến tánh, Phật ở tại tâm hay Trời ở trong ta.
Luyện Đạo đến độ Tinh-Khí-Thần hiệp nhất, tạo thành một năng lực phi thường đủ sức phá cửa Linh Đài vào bái Phật. Khí lực từ Hạ Điền qua Vỹ Lư, lên Giáp Tích, rồi lên huyệt Linh Đài tại tâm tức là Tâm đã được khai mở. Huyệt Linh Đài ở tại giữa đốt xương sống 6+7.
Câu thứ tư:
Ta hãy chứng minh câu:
 “Ngũ hành hiệp nhất mới mầu linh”
Muốn cho Ngũ Hành hiệp nhất về phần lý pháp ta phải làm bài toán lý số để chứng minh.
Trước tiên ta vẽ chữ vạn nghịch khắc. Trên chữ vạn ta đặt số Ngũ hành vào bốn cánh. Cánh thứ nhất ở dưới, ta an số 1 + 6 hành Thủy, cánh thứ nhì bên phải ta an số 2 + 7 thuộc hành Hỏa, theo chiều nghịch, tức Thủy khắc Hỏa, cánh phía trên thứ ba ta an số 4 + 9 hành Kim, tức Hỏa khắc Kim; cánh thứ tư bên trái ta an số 3 + 8 hành Mộc, tức Kim khắc Mộc; bốn phương tượng đủ bốn hành: Thủy, hỏa, Kim, Mộc, còn ở giữa (Trung ương) Hành Thổ ta an con số 5 dương Thổ, con số 10 âm Thổ đã nương tứ phía để cho bốn hành nương vào Thổ mà sanh thành.

 
Khi an số Ngũ hành xong, ta thấy hình vuông chữ vạn:
    Cạnh dưới hành Thủy có  8+1+6 thành 15
    Cạnh bên phải hành Hỏa có 2+7+6 thành 15
    Cạnh phía trên hành Kim có 4+9+2 thành 15
    Cạnh bên trái hành Mộc có 4+3+8 thành 15
Ở giữa chữ vạn hành Thổ có con số 5, tượng ngôi Hoàng Cực chủ nhân ông. Đó là Thần Khí của con người đã được hội tụ.
Thế là ta đã có kết quả số 5 hành đều bình đẳng 5 – 15, mà bình đẳng thì mới có cơ hiệp nhất, nên Thánh Giáo dạy: “Ngũ hành hiệp nhất mới màu linh
Ta tìm ngũ hành hiệp nhất để thành cái gì? Ta thử làm bài toán nhân và cộng:
    Số 5 Hoàng Cực nhân cho 5 hành (5x5) thành 25.
    Số 15 Vô-Cực nhân cho 5 hành (5x15) thành 75.
Cộng hai số thành một trăm (100) đây là số Hà Đồ và Lạc Thư hiệp nhất. Các số trong Hà Đồ Lạc Thư đều chứa lý huyền vi mầu nhiệm, ẩn tàng chân lý muôn đời.
Tổ Tiên Việt Nam đã đạt được huyền lý của Hà-Lạc nên mới đặt truyền thuyết: Bà Âu Cơ là Tiên lấy ông Lạc Long Quân là Rồng, đẻ ra một bọc trăm trứng (nhất bào bách noãn) nên người Việt có cái tên “đồng bào”. Đồng bào có nghĩa là một bọc sinh ra, phải thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ nhau. Huyền thoại tuy đơn giản nhưng ý nghĩa rất siêu việt.
Khi tu luyện đến độ Tinh-Khí-Thần và ngũ hành đã qui nhất thì mới đắc được “Kim Thân”. Trong Kinh Pháp ta thường thấy câu:
          * Tam Hoa tụ đảnh, Ngũ Khí triều nguyên,
          * Tam Gia tương kiến, Tứ Tổ qui trung.
Hình ba con vượn và bốn con ngựa là tiêu biểu cho Đạo Pháp Cao Đài. Cái ấn hai tay nắm lại để lạy Thầy cũng là dấu ấn Tam Tài Thiên Địa Nhân và ngũ Hành hiệp nhất. Từ xưa nay, người tu Cao-Đài bắt hai tay lại mà không biết hoặc không chú ý.
Pháp tu chỉ có hơi thở nội tức (Qui Tức) mới làm cho Âm Dương hòa và Ngũ Hành bình thì thân tâm mới được an lạc, tinh thần thanh thản, siêu phàm nhập Thánh.
Thầy dạy:
       “Lửa cung Ly nấu vàng cung Khảm,
          Lọc âm dương hai tám đồng cân,
          Hồn còn nương náu xác thân,
          Mà không dính liếu bụi trần vào Tâm”.
Pháp Chiếu Minh do Đức Đại Tiên Ngô Minh Chiêu truyền lại là Pháp “Quy Tam Bửu, Hiệp Ngũ Hành” để thành Kim Thân (Nhị xác thân) đắc chứng phẩm vị Tiên Phật. Nền tảng của Pháp là làm cho âm dương hòa, ngũ hành bình. Hòa bình là mục đích của Đạo Cao-Đài. Căn bản của Pháp là hơi thở, áp dụng hơi thở theo con số 5 và 15 của Lạc-Thơ làm tiêu chuẩn. Số 5 là số Hoàng Cực chủ nhân, ở Trời có ngôi “Thái-Cực”, ở người có ngôi Hoàng Cực. Số 5 là âm dương sanh của ngũ hành: Âm sanh (2 sanh Hỏa, 4 sanh Kim); dương sanh (1 sanh Thủy, 3 sanh Mộc, 5 sanh Thổ). Trong số 5 có chứa số 15 huyền khí (1+2+3+4+5=15). Số 5 là số âm dương hòa, số 15 là số ngũ hành bình.
Dùng số 5 và số 15 vào hơi thở để qui Tam Bửu, hiệp Ngũ Hành, làm cho thân tâm ta có sự hòa bình an lạc, nội tâm không còn mâu thuẩn, đã đạt đến trạng thái vô đối.
Một hơi thở ra vô áp dụng vào thời gian là: Hơi thở vô 5 giây đồng hồ; hơi thở nội tức, thở bên trong một hơi gấp ba lần thở vô là 15 giây.
Hít vô 5 giây đầy bụng, trong khi hít vô ý tưởng Thần và Khí đi xuống đến hạ Đơn Điền dạ dưới (nơi huyệt Khí Hải, Quan Nguyên và Trung Cực). Hít một hơi niệm danh hiệu Thầy 12 chữ là đúng 5 giây.
Tiếp thở bên trong, nén hơi xuống gấp ba lần thở vô là 15 giây, mỗi lần 5 giây niệm danh hiệu Thầy 12 chữ. Thần và Khí luôn luôn  theo hơi thở. Nếu Thần nghĩ một nơi, Khí đi một ngã là thất bại.
Khi nén hơi thở từ từ thóp bụng lại, chú ý là đưa hơi thở ra sau mạch Đốc tại huyệt Vỹ Lư để khí Tiên Thiên mở đường lên huyệt Giáp Tích (huyệt ở Tỳ Thổ), rồi lên huyệt Linh Đài tại Tâm, tiếp tục khí chạy lên Bách-Hội, nơi chư dương sở tụ, nơi đó gọi là ao Diêu-Trì.
Thở nội tức đi theo chiều nghịch Lạc-Thơ, tức là đàng sau mạch Đốc rút lên. Thở hơi xuống rồi nén hơi tóp bụng rút hơi lên bộ đầu, để cho dòng châu thiên Nhâm Đốc gặp nhau, tạo thành vòng khí xoay tròn lên xuống như chuỗi châu. Khi tiểu châu thiên chuyển, thì các luân xa trong người đều vận động, tạo nhiều năng lượng Tiên Thiên Khí dồi dào. Người tu có đủ sức khoẻ tráng kiện, phong độ giống Tiên Gia.
Công phu luyện đạo, chịu khổ hạnh nhiều năm mới có kết quả.
       “Muốn làm Tiên Phật dễ gì đâu,
          Tu luyện lâu năm thấy nhiệm mầu,
          Trí tuệ phát huy Tâm ngộ Tánh,
          Càn Khôn tận thức đắc Minh-Châu.
Khi luyện Đạo áp dụng hơi thở 5+15 sẽ đưa ta về đâu? Ta thử làm bài tính:
Một hơi thở vô 5 giây, và nén xuống một hơi ba lần là 15 giây, cộng lại là 20 giây. Trong một phút thở được ba hơi, tu ba hiệp, mỗi hiệp 15 phút, ba hiệp 45 phút nhân cho 3 hơi thành 135 hơi thở (45x3=135). Cộng ba số 135 thành 9. Con số 9 thành số của Khí. Nhờ hơi thở Pháp đã đưa âm dương và ngũ hành hiệp nhất và lên tột đỉnh 9 tầng Trời. Nếu ngày đêm tu tứ thời: Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu, thì sẽ đạt được 36 tầng Trời (9x4=36).
Tam bửu ngũ hành hiệp nhất là ta đã đắc Kim Thân, Tiên Thể, vượt lên khỏi chín tầng Trời.
Phần sau đây là tìm hiều về Nước và Lửa:
Nước và Lửa Tiên Thiên do đâu mà có?
Nước và Lửa Tiên Thiên do Trời Đất mà sinh ra. 
Trời tượng quẻ Càn Đất tượng quẻ Khôn
. Càn Khôn hoán dịch sinh ra Khảm   Ly   . Khảm là Nước, Ly là Lửa. Hoán dịch là trao đổi cho nhau.
Trao đổi như thế nào?
Lấy một hào dương   ở giữa quẻ Càn đem đổi một hào âm ở giữa quẻ Khôn, hai bên âm dương trao đổi thì Khôn biến thành Khảm, Càn biến thành Ly:
Càn Khôn nhờ có đức Trung Chính mới tạo thành Ly Khảm. Một hào dương ở quẻ Càn đắc trung, một hào âm ở quẻ Khôn đắc chính, Càn Khôn đắc đạo Trung Chính mới thành Ly Khảm (Lửa, Nước). Ly trung hư, Khảm trung mãn. Đây là Nước Lửa Tiên Thiên do Trời Đất sanh.
Nước và Lửa Hậu Thiên do đâu mà sinh ra?
Nước và Lửa Hậu Thiên do Kim và Mộc mà sanh ra.
Sau khi phân tích Thủy Hoả Tiên Thiên và Hậu Thiên ta thấy có sự khác biệt:
    Nước Lửa Tiên-Thiên do Càn Khôn sinh thành.
    Nước Lửa Hậu-Thiên do Ngũ Hành sinh thành.
Vậy người tu tâm pháp phải luyện cho Thuỷ Hoả Hậu-Thiên trở về Tiên-Thiên, tức là luyện Tinh hóa Khí.
Sách tu luyện có câu:
                 “Tri Âm Dương khả tri Ly Khảm
                   Sát Ngũ Hành khả sát Bính Nhâm.”
Phân tích và tìm hiểu rõ ràng Nước và Lửa mới luyện thành Pháp “Thuỷ Hoả ký tế”. Ký tế là công phu tu luyện đã thành.
Nước Lửa là hai đối tượng xung khắc, âm dương là hai thể phản phúc nhau, người tu nhờ biết Pháp sanh, khắc, chế hoá của Ngũ hành làm cho âm dương hoà, ngũ hành bình mới tạo được nhị xác thân chờ ngày vân du Thiên ngoại.
Tóm lại Pháp Chiếu-Minh là tân Pháp Cao-Đài, đem Thần hiệp cùng Tinh Khí cho môn sinh có đủ Tam-Bửu tu đắc Đạo. Hiện nay khoa học đã đánh tản Thần, chỉ có Thức Thần, mà chơn Thần đã mất từ lâu.
Tân Pháp Chiếu-Minh do Đức Đại Tiên Ngô Minh Chiêu thọ nơi Tiên Ông  Cao Đài năm Tân Dậu (1921).
Trích câu thơ Ngài viết để làm chứng:
Trích một đoạn:…………………......

       “Còn hung lửa ấy nợ tiền khiên,
Chóng chóng mua chim cá thả liền,
Xài phí nhín tiền làm phước kín,
Trại hàng gởi bạc thí hòm riêng.

Hòm riêng bố thí là cầu thọ.
Quấy phải mặc người đừng cải cọ.
Tu luyện lâu năm rõ Đạo mầu,
Tiên truyền Tân Dậu Phủ Chiêu thọ./”
                          
 Đạo Sư MINH NHÂN
            (Nguyên Giáo Sư Ngọc Trường Thanh)                  Ngày 15-2-Canh Dần




 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét