Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

YẾU QUYẾT PHÁP LUYỆN KHÍ CÔNG


       YẾU QUYẾT PHÁP LUYỆN KHÍ CÔNG

Quay về thân tâm mà tìm Thần-Khí. Pháp luyện đơn gồm có ba thể: Dược Vật, Hỏa Hầu, Đảnh Khí. Ba vật ấy có chân, có giả, có hậu, có tiền.
Thiên kinh vạn luận cũng chỉ phân tách thật rõ ràng ba việc này:
“Dĩ Hỏa luyện dược nhi kết đơn,
  Dĩ Thần ngự Khí nhi thành Đạo”.
Tu Khí công phải lấy hào cửu nhị của quẻ Bát thuần Càn làm đích gọi là Nhị Hầu Thể Mâu Ni. “Hào hai: Hiện Long tại điền lợi kiến đại nhân”.
Khi tu có thuốc trường sanh phải lo phong cố. Phong: đóng kín lại, cố: vững bền kín đáo, có nghĩa là đóng kín sáu giác quan lại. Giác mê ca có câu:
“Ai dốc lòng lên núi Linh-Sơn,
  Đóng sáu cửa cho bền then khóa”
Trong thân ta, Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu là tứ thời ở ngôi tứ chính, phải công phu đúng thời mới có kết quả. Tý Ngọ là tịnh luyện trục Tinh-Thần (Tý tấn dương, Ngọ thối âm), Mẹo Dậu hai giờ mộc dục tức là tắm gội Hồn Phách rất chí yếu.
Thần phải thường trụ nơi tổ khiếu (Huyền Quan khiếu), tu lâu ngày thì Thái-cực hiện gọi là Huyền Quan xuất hiện. Đức Lão Tử nói: “Cốc Thần bất tử”, là nói chỗ này, chỗ nhập hồ kỳ khiếu.
Dịch nói: Vô cực nhi Thái-Cực là nói về tổ khiếu Huyền Quan xuất hiện nơi cung Vô-Cực. Vô-Cực là bầu khí tự nhiên, khí không có chỗ cùng cực, là nguyên lý đầu tiên, là trên và trước tất cả, đó là Khí Hư-Vô.
THẦY nói: “Khi chưa có chi trong Trời Đất, thì Khí Hư-Vô sanh có một mình THẦY, ngôi THẦY là Thái-Cực”, Vô-Cực là Đại-Đạo, là Mẹ Linh-hồn của chúng ta.

HỎA HẦU LÀ GÌ?
Hỏa hầu là Thần-Khí, là một tổng danh trong đó có thứ đệ, tiết tự và đều có trong từng hầu, như Tinh sanh thì có hầu Điều Dược, Dược sản thì có hầu Thể Thủ. Quy lư thì có hầu Phong Cố, Khỉ Hỏa thì có hầu Vận Hành, Mộc Dục thì có hầu Đình Tức, Hỏa Túc thì có hầu Chỉ Hỏa, đó là bí cơ của Tiểu Châu Thiên. Nếu chẳng hiểu tận tinh vi, tuy đắc dược mà hành không đúng pháp độ của Hỏa, đâu có được thành đơn, cho nên phải hiểu rõ tất cả.

ĐƯỜNG ĐI CỦA THỦY HỎA   
Nhâm Đốc hai mạch là đường đi của Thủy-Hỏa:
                        “Chốn Bắc Hải nghinh ngang Rùa Trạnh,
                          Cảnh non Nam chớp cánh Phượng Hoàng,
                               Cọp lần xuống hố mau toan,
                     Rồng lên mây bạc cho toàn Châu Thiên.”
Thần là nguyên Thần trong Tâm, Khí là nguyên Khí trong Thận, Tinh Khí vốn là một, lúc luyện Tinh thì Khí ở trong Tinh. Tu phải biết rành Đạo Thần-Khí tức là cái Đạo Tánh Mạng Âm Dương, cho nên nói lý vô biệt quyết, chỉ có Thần-Khí mà thôi.
Tạo Hóa là sanh cơ trong thân ta, người do cơ này mà sanh hình, Tiên Phật do cơ này mà thành Đạo (Phàm Pháp và Tiên Pháp).

                                        TRỰC LUẬN
Tiên Đạo nguyên cơ là Tiên Thiên Thần Khí, lúc luyện Tinh thì Thần Khí ở trong Tinh, lúc luyện Khí thì Thần ở trong Khí, lúc luyện phải rành về Hỏa, lấy Hỏa phải dùng hơi thở Quy Tức (vỏ Hỏa). Tu bên ngoài tai mắt là tu Thần Khí bên trong. Tu lổ tai tức là phản thính, là bảo toàn được Tinh Khí. Tu con mắt là thâu thị, là hồi quan, thì bảo tồn được nguyên Thần.

CHÂN TRUYỀN
Đã đắc được chơn truyền thì lập tức hạ thủ công phu, nếu quả là chơn Pháp thì biết rõ lúc chơn Tinh bắt đầu manh nha, lập tức hành Pháp Quy Tức công. Hồi quan trực chiếu hạ Đơn Điền, đưa Tinh về Khí huyệt, gọi là Pháp Thể Dược Quy Lư. Cái chân Khí và chân Ý hiệp nhất thì dâm căn tự diệt.
THẦN KHÍ HAO TÁN
Con người từ khi lìa khỏi bụng mẹ thì Thần đã hướng ngoại, chẳng cần cố đoái đến Thần. Cố đoái là ngó lại, ngoảnh lại, đoái đến. Thần ẩn tàng nơi Tâm, rồi phát hiện ra đôi mắt, Thần hiệp cùng bảy khiếu trong thân thể mà phát sinh bảy tình, sáu dục, tam độc. Thần theo ban ngày mà hao tán. Mạng thì ẩn tàng nơi Thận rồi sinh ra dâm căn, Mạng theo ban đêm mà tiêu hao, Mạng cứ tiêu hao mãi thì bẩm thọ con người phải chết sớm! Đức Phật dạy: Trong mười hai giờ Hành, Trụ, Tọa, Ngọa (đi, đứng, nằm, ngồi) đều dùng chánh niệm mà thu liễm cái Thần vi tế ngưng nhập vào trong Thận Mạng. Thận Mạng mà đắc được Thần này, chẳng khác nào Trung Thần gặp được Thánh Quân (Tinh Thần hợp nhất).
Kinh Lăng Nghiêm dạy: Dâm tâm, dâm thân, dâm căn không đoạn tuyệt tức bị rơi vào ma đạo, trải muôn ngàn kiếp không thể nào thoát được vòng sanh tử”. Người tu tâm pháp mà ba dâm không đoạn, khác nào nấu cát thành cơm, trải trăm ngàn kiếp vẫn là nấu cát.
Tu luyện xá lợi đã quy Trung cung, thì tóc trắng trở lại đen, răng rụng lại mọc, trí huệ quảng đại.
Năm bậc tịnh luyện:
1. Luyện Tinh hóa Khí trăm ngày.
2. Luyện Khí hóa Thần ba năm.
3. Luyện Thần hoàn hư chín năm.
4. Luyện hư hoàn vô liên tục.
5. Luyện vô hiệp Đạo gọi là tịch diệt. Tịch diệt là công phu cuối cùng, siêu xuất tam giới. Tam giới đây là cõi thứ ba vô sắc giới.
Tu Tiên có năm loại:
1. Nhơn Tiên, 2. Địa Tiên, 3. Quỷ Tiên, 4. Thần Tiên, 5. Kim Tiên.

           THẾ NÀO LÀ THỦ TRUNG
Thủ trung là nhất niệm bất sanh, tịch nhiên bất động, thâm nhập vào cõi hư vô tịch diệt.
THẾ NÀO LÀ AN LƯ LẬP ĐẢNH
Thần ngự Khí đúng Pháp Quy Tức, làm cho chân Khí lưu luyến gặp đặng chân Tinh, trong khi hô hấp, Thần Tinh Khí đã quy lư tự nhiên có sự huyền diệu như Vô Cực mà có Thái Cực (Khí Thần hợp nhất).
Chân Khí tuy tiềm tàng nơi Khí huyệt nhưng sau khi Khí sanh Tinh thì thuận hóa thành nguyên Tinh rồi mong mỏi hướng ngoại. Nếu để nó thuận tánh hạ lưu thì lấy gì làm chơn dược. Cho nên khi biết nó sanh thì phải Khí công để đem về Trung cung thì Thiên cơ tự hoạt động.

TRÍCH MỘT ĐOẠN GIÁC MÊ CA

…………………………………………
Ngọc Mâu Ni há dễ khinh truyền,
Kinh Bạch Tự dám đâu vọng tiết.
Địch không lỗ có duyên mới biết,
Đờn không dây vô phước khó nghe.
Rượu “Đề Hồ” chứa để đầy ve,
Say một cuộc bất tri thế sự.
Ngâm “Chỉ Huyền” vui cùng ông Lữ,
Đọc “Tỉnh Mê” say với ông La.
Kinh “Huỳnh Đình” tụng đọc Năm Ba,
Bồng Tháp buồn xem Tạo Hóa.
Ngó Nam Lãnh vui màu tòng bá,
Nhìn Bắc Hà, rùa cá nhởn nhơ,
Chốn đơn phòng bày tỏ Huyền cơ,
Mặc dầu kẻ ngộ cùng không ngộ,
Có duyên mới gặp Tam Kỳ Phổ Độ,
Muôn đời còn Tử Phủ nêu danh
Ba ngàn công quả đặng viên thành
Đơn thơ chiếu hiển vinh Thiên tước
Chín phẩm sen vàng khai thấy Phật
Cửu Huyền thất Tổ được siêu Thăng.

                                                                             Đạo Sư Minh-Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét