Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

LUẬN ĐẠO


ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
Năm thứ 84 (2009)
AN THIÊN ĐỊNH ĐỊA
MỞ BẦU TRỜI ĐẤT MỚI

LUẬN ĐẠO
THẬP NGŨ LẠC-THƯ HUYỀN DIỆU PHÁP
TAM GIA TƯƠNG KIẾN
TỨ TỔ QUY TRUNG

ĐỀ TÀI THI LUẬN 2009

          Kỷ-Sửu thị hiện Pháp môn,
  An Vi hậu Thổ bảo tồn linh sanh”
                             Pháp là bảo pháp vô danh,
                     Vô thanh, vô sắc, vô hình mệnh mông …
                             Vì đời sắc tướng thấy trông,
                     Nghe, sờ, mới biết rõ thông chuyện đời.
                             Nên bày ba vượn cỡi chơi,
                     Bịt tai, bịt miệng, mắt thời bịt luôn.
                             Bốn con ngựa ở bốn phương,
                     Xanh, trắng, đen, đỏ màu thường điểm tô.
                             Quay vào Hoàng-Đế nam mô,
                     Lý Pháp xin hỏi môn đồ gần xa.
                             Luận cho rõ lẽ chánh tà,
                     Rõ cơ tiến hóa gọi là học tu!
                             Luận giảng tỏ rõ công phu,
                     Để tìm “chân lý” phá ngu diệt phàm.

Đạo-Sư Minh-Nhân
        Mùng 9 tháng giêng năm Kỷ-sửu
(03.02.2009)

TAM GIÁC THẬP-NGŨ LINH-ĐĂNG

          Tam giác Thập ngũ Linh-đăng,
Tam ngươn nhứt khí Đạo hằng Thế-Tôn.
          Tam Thanh nhứt khí trường tồn, (1)
Hoá ra bốn phách độ hồn bốn phương.
          Tam-Hoa Tứ-Tổ chung đường,
Tam công, tứ chính là phương tu hành.
          Tam Thiên, Tứ Địa cùng danh,
Học hiểu thấu đáo mới thành Minh-Nhân.
          Bảy bảy bốn mươi chín lần     (2)
Con số đại diễn cân phân tài tình.
          Diệu kỳ Thái Bạch Kim Tinh,
Giáo Tông Đại Đạo thuỳ tình cảm giao.
          Xót thương sanh chúng đồng bào,
Hạ ngươn mạt kiếp lẽ nào ngồi yên.
          Tam giác qui hướng Hạ Điền,
Ba mươi mỗi cạnh định yên sáng lòng. (3)
          Phép mầu bí nhiệm hư không,
Muốn nên Tiên Phật gia công tu trì.
          Nghiệp căn dồn dập nhiều khi,
Đang thời chuyển Pháp có khi lạc đường.
          Phổ bày thập ngũ ma phương,
Không tu phải chịu muôn đường trái oan.
          Người tu nhẹ gót Thiên đàng,
Tiêu dao cảnh Thánh, thanh nhàn am Tiên.
          Một Trời, một đất: nhà riêng ...

(1) Tam-giác Tâm chủ ba ngôi 1, 2, 3 là Tiên-Thiên nhứt khí, ba cạnh nối dài đều có tổng số là: 17.
(2) Ba cạnh của Tam-giác ngoài, đều có tổng số là 49.
(3) Ba cạnh của Tam-giác trong, đều có tổng số là 30.

Đạo Sư  Minh-Nhân
Kỷ niệm 36 năm tròn tu pháp Chiếu Minh
(24. Chạp Giáp-Dần à 24. Chạp Canh-Dần)



ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
Năm thứ 84 (2009)
LUẬN VĂN CỦA MÔN SINH TIỂU DƯƠNG
Về đề tài “Tam Viên Tứ Mã & Tam Giác Thập Ngũ Linh Đăng

Kính trình Đạo-Sư MINH-NHÂN:
Đức Thượng-Đế giáng điễn lập Đạo lần ba này có nhiều nguyên nhân mà mục đích cốt lõi, chính yếu nhất là THẦY cho biết trước quả địa cầu sáu tám (68) của chúng ta đã gần ngày tan rã đặng chuyển sang quả địa cầu sáu bảy (67), là nơi tiền định của Đạo mầu. Đó là việc thay vỏ địa cầu, thay bầu Trời-Đất, là một cuộc “Tạo Thiên Lập Địa” hay mở bầu Trời-Đất mới cũng vậy. Điều này đã được Đạo Sư giảng giải chi tiết, rành rẽ qua hai tập tài liệu “Địa cầu 68 & 67” và “Dự báo thay vỏ địa cầu, thay bầu Trời-Đất”, đệ tử xin trích một đoạn THẦY dạy như sau:
                        Cơ Tạo-hóa Thiên-đình sắp định,
                          Bầu Càn-Khôn xoay chuyển lập đời;
                               Thay bầu Trời-Đất đổi dời,
                     Cỏ cây tiêu sạch, loài người còn chi!
Hay là:
                             Địa cầu sáu tám (68) gập ghình,
                     Bước qua sáu bảy (67), định hình Thuấn Nghiêu.”
Điều này cũng được minh chứng qua việc THẦY dạy tạo quả Càn-Khôn để thờ Trời, nó tròn như quả Đất, trên có vẽ Thiên-Nhãn, mặt Trời, mặt Trăng, ngôi sao Bắc Đẩu và 3072 tinh tú. Ấy là quả địa cầu sáu bảy (67) tương lai cùng bầu tinh tú mới. Hay là việc THẦY phong chức sắc cho ba vị Đầu Sư với Thánh danh là Thượng Trung Nhựt, Ngọc Lịch Nguyệt và Thái Minh Tinh, ấy là cơ thay đổi Nhật-Nguyệt-Tinh.
Nếu nhìn nhận bằng một nhãn quan mới, chúng ta có thể hình dung quả địa cầu như là một cơ thể sống gồm đủ Tinh-Khí-Thần. Ban đầu, nó được người đời suy tôn là Địa Mẫu, là cấp Tinh. Sau nhiều năm dày công tu luyện, Tinh ấy đã hóa Khí mà thành Diêu-Trì Kim-Mẫu. Với công đức che chở, nuôi nấng, bảo dưỡng sự sống của vạn loài sanh linh quá lớn lao, vĩ đại cùng sự tu luyện đã hơn bốn tỷ năm (theo sự ước tính của các nhà khoa học địa chất), Khí ấy đã hóa Thần, nên được Đạo Cao-Đài phong tặng cho là Đức Phật Mẫu. Thế nhưng, đa số người đời quá vô tâm, độc ác, chẳng hề hay biết đến sự hy sinh cao cả ấy, ngược lại còn bất hiếu vong ân, quên đi nguồn cội, chỉ vì cái lợi trước mắt mà quay trở lại tàn phá, hủy hoại xác thân của Mẹ suy nhược cùng kiệt, bệnh hoạn trầm kha đến nỗi vô phương cứu vãng. Nên nay đã đến lúc Ngài bỏ xác mà trở về với cảnh giới Hư Vô Tịch Diệt (Thần hoàn hư, hư hoàn vô).
Điều này cũng có thể thấy rõ nét qua sự thay đổi khí hậu hiện tại, ô nhiễm môi trường sống nặng nề, tài nguyên thiên nhiên bị con người khai thác cạn kiệt, và các thảm họa thiên tai tàn khốc, dịch bệnh tràn lan vừa qua. Lại thêm nạn đại thế chiến thứ ba đang hầu gần với khí giới bằng hạt nhân nguyên tử tối tân, có thể hủy diệt quả địa cầu mà các nhà khoa học gia đang lo ngại, cảnh báo, lên tiếng ở khắp nơi trên toàn thế giới. Đúng như lời Đạo-Sư đã nhận xét, thì nhân loại đang bước vào thời điểm: “Quá khứ là bãi tha ma hiu quạnh, mà tương lai là cảnh hổn độn mang nhiên kinh hoàng”.
Nên chi, THẦY mở Đạo đem lại nền chánh giáo, chơn truyền Đạo Pháp, mối quy cũ chuẩn thằng cho nhơn sanh noi theo tu hành, làm cuộc cách mạng thân tâm, quy tam bửu hiệp ngũ hành, đặng theo kịp cơ tiến hóa mà tham dự vào cuộc Kiến Tạo Càn-Khôn, làm một con người thiện dân ở quả địa cầu sáu bảy (67), như lời THẦY dạy: “Chừng nào các con theo THẦY học Đạo, tu luyện nhiều kiếp, dày công, được đắc pháp huyền hư, lục thông phát huệ, tiếp điễn với THẦY, nghe THẦY chỉ đạo, thì chừng đó các con thành Đạo. Các con mới đủ tư cách hành Đạo, đi thống nhất triệt giáo hoàn cầu, lập lại đời Thượng Ngươn Thánh Đức.”
Là môn đồ của Đức Thượng-Đế, chúng ta không chỉ có nhiệm vụ dụng Pháp Huyền Công tu tánh luyện mạng đặng phản bổn hoàn nguyên, trở về ngôi vị cũ, mà còn có trách nhiệm không kém phần quan trọng: đó là tham gia đóng góp cùng THẦY vào công trình tạo lập lại Bầu Trời-Đất mới. Vậy Pháp Huyền Công ấy là gì?
Năm Kỷ-Sửu, THẦY thị hiện Pháp môn thông qua hình ảnh ba con vượn màu vàng bịt miệng, bịt tai, bịt mắt ở trung ương và bốn con ngựa xanh, trắng, đen, đỏ ở bốn phương, theo sự cảm nhận của đệ tử thì, Pháp môn ấy không gì khác ngoài Pháp Quy Tức Công An Thổ Địa hay An Vi, An Thiên Định Địa, An Lư Lập Đảnh, mà Đạo-Sư đã truyền dạy cho các môn đồ từ trước đến nay:
      “Kỷ-Sửu thị hiện Pháp môn,
  An Vi hậu Thổ bảo tồn linh sanh”
Vì hầu hết người đời bị màn vô minh phiền não che mờ, tâm trí bị cột chặt trong vòng sắc tướng hữu hình vật chất, khó có thể lãnh hội được bí Pháp siêu diệu vô hình. Nên chi, THẦY mượn giả tướng để hiển bày chơn lý cho môn sanh suy tầm học hiểu, thực hành trên đường tu học trở về với cội nguồn bản thể:
                           Pháp là bảo pháp vô danh,
                     Vô thanh, vô sắc, vô hình mệnh mông …
                             Vì đời sắc tướng thấy trông,
                     Nghe, sờ, mới biết rõ thông chuyện đời.
                             Nên bày ba vượn cỡi chơi,
                     Bịt tai, bịt miệng, mắt thời bịt luôn.
                             Bốn con ngựa ở bốn phương,
                     Xanh, trắng, đen, đỏ màu thường điểm tô.”
Vượn là loài linh trưởng, có trí khôn ngoan bậc nhất trong thế giới các loài động vật, chỉ đứng sau con người. Nó sinh sống trong các khu rừng còn nguyên sơ, kết tụ thành bầy đàn quần thể. Thức ăn chủ yếu của nó là các loại trái cây, tánh rất hiếu động, thường leo chuyền trên không trung hết nhành cây này sang nhành cây khác, tượng cho không gian vô biên là chiều ngang. Trong lý Pháp Đạo, nó được ví như cái “Tâm” của con người. “Tâm” ấy được xem như một vị Đế-Vương làm chủ nhơn thân mà điều khiển ngũ quan, vận hành khí huyết. Nếu người nào biết làm chủ mà định cái tâm cho tịnh an, thanh bạch, không cho phóng túng, chạy bậy ra ngoài, ưa Đạo-đức, chuộng tinh thần, biết thuận tùng theo Thiên lý (ba con vượn bịt miệng, bịt tai, bịt mắt), thì “Tâm” ấy là một vị Minh-quân, Thánh-chúa. Nhược bằng, người không biết tu hành, thuận theo lòng dục sanh điều quấy quá, đắm mê tửu sắc tài khí, tội tình gây mãi khiến cho tinh thần cạn kiệt, ngũ tạng suy vi, thì “Tâm” ấy là một kẻ Hôn-quân, Bạo-chúa. Cái “Tâm” cũng có thể ví như một người họa sỹ có thể vẽ bản dạng của mình thành kỳ quái ma quỷ, cũng có thể vẽ mình thành hình Tiên, vóc Phật, bởi lẽ “tướng tự Tâm sanh, tướng tùng Tâm diệt”.
Và người xưa đã quan niệm về cái “Tâm” như sau:
“Tam điểm như tinh tượng,
  Hoành câu tợ nguyệt tà;
  Phi mao tùng thử đắc,
  Tố Phật dã do tha.”
Đến đây, đệ tử liên tưởng tới truyện “Phong-Thần”, xây dựng hai hình tượng nhân vật đặc trưng cho cái “Tâm” là Vua Trụ độc ác bạo tàn, say mê tửu sắc tài khí, khiến cho quần thần hổn loạn rối ren, chư hầu bất bình, con dân đồ thán, là nhân vật tượng cho người bị vật dục che mờ tâm trí, chịu sự sai khiến của phàm tâm, nhơn ngã. Còn Văn Vương là vị Minh-quân, Thánh-trí, Đạo-đức, được chư hầu tín nhiệm suy tôn, con dân yêu mến, Thần-Tiên giúp sức hưng Châu phạt Trụ, đem lại đời thái bình lạc nghiệp âu ca, phong võ điều hòa, tượng cho người biết tu hành mà trau tâm sửa tánh, lấy chơn tâm cải sửa phàm tâm (Phàm Tâm tử, Đạo Tâm sanh), đem Ngươn-Thần hồi phục về ngôi vị cũ (Phục-Linh-Tánh Phật).
Còn trong truyện “Tây Du Ký”, thì Tam-Tạng là cái “Tâm” gồm có ba thể là ba học trò của mình: Tề-Thiên tượng cho tâm lý trí, Bát-Giới tượng cho tâm tình cảm và Sa-Tăng tượng cho tâm xác thịt. Ba hình thái của tâm thức theo tánh lý tự nhiên thì chẳng bao giờ chịu đồng nhất, mỗi cái muốn mỗi khác mà xui khiến cho tâm hồn mãi xao động. Nên người tu muốn thành Đạo, thì phải luyện cho ba thể của Tâm thức hiệp nhất thành Tam-Tạng sang Tây-Trúc thỉnh kinh như mở đầu bài “Niệm-Hương” đã dạy: “Đạo do Tâm hiệp” hay “Đạo gốc bởi lòng thành tín hiệp”. Tam tâm ấy cũng có thể hiểu là tâm quá khứ, tâm hiện tại và tâm vị lai, là tam tâm tà mà người tu phải khử trừ cho kỳ được.
Đệ tử xin kết thúc phần trình giải về cái “Tâm” bằng lời THẦY dạy như sau:
Bạch-Ngọc từ xưa vốn ngự rồi,
  Cần gì trần thế phải cao ngôi?
  Ví dầu nếu biết Tâm là quý,
  Tâm ấy, tòa sen của Lão ngồi.”
Ngựa là loài vật rất năng hoạt động, thường rong duỗi trên các đoạn đường dài, tượng cho thời gian vô tận là trục dọc. Trong Lý Pháp Đạo, nó được ví như cái “Ý” của con người. “Ý” là một mối đại hại cho nhơn thân, nó tư tưởng vất vơ, quấy quá. Nó nghĩ sự này qua sự nọ, hết chuyện này sang chuyện kia. Nó xẹt vô nhảy ra trong óc lẹ làng như tia chớp, không chi ngăn đón được. Nên mới cho nó là “đứa ăn trộm tài nghề, xách món này, lấy món nọ trước mắt muôn người mà có ai thấy!”.
Chiều dọc, chiều ngang gác chồng lên nhau tạo thành hình chữ Thập, là biểu tượng của âm dương hiệp nhất. Chiều dọc, cái sổ dài xuống (), là nhứt dương chi khí hay Hạo Nhiên Khí, còn cái ngang qua ( ) là nhứt âm chi khí hay Huyền Khí. “Nhứt âm nhứt dương chi vị Đạo”.
Bốn con ngựa ở bốn phương và ba con vượn ở trung ương gồm năm màu sắc là: Xanh, trắng, đen, đỏ và vàng, là biểu tượng của ngũ hành. Ngũ hành gồm có:
1. Hành Mộc: (Là con ngựa) màu xanh ở phương Đông, với ngũ vị là vị chua, với ngũ giới cấm là giới bất sát sanh, với ngũ Luân là Đức Nhân, với ngũ tạng là Can (buồng gan, nơi chứa Hồn, thông khiếu ra lưỡi), với ngũ hành tinh là sao Mộc, với tứ thời là giờ Mẹo.
2. Hành Kim: (Là con ngựa) màu trắng ở phương Tây, với ngũ vị là vị cay, với ngũ giới cấm là giới bất du đạo (trộm cắp), với ngũ Luân là Đức Nghĩa, với ngũ tạng là Phế (buồng phổi, nơi chứa Phách, thông khiếu ra hai lỗ mũi), với ngũ hành tinh là sao Kim, với tứ thời là giờ Dậu.
3. Hành Thủy: (Là con ngựa) màu đen ở phương Bắc, với ngũ vị là vị mặn, với ngũ giới cấm là giới bất tửu nhục (rượu thịt), với ngũ Luân là Đức Trí, với ngũ tạng là Thận (trái cật, nơi chứa tinh, thông khiếu ra hai lỗ tai), với ngũ hành tinh là sao Thủy, với tứ thời là giờ Tý.
4. Hành Hỏa: (Là con ngựa) màu đỏ ở phương Nam, với ngũ vị là vị đắng, với ngũ giới cấm là giới bất tà dâm, với ngũ Luân là Đức Lễ, với ngũ tạng là Tâm (trái tim, nơi chứa Thần, thông khiếu ra hai mắt), với ngũ hành tinh là sao Hỏa, với tứ thời là giờ Ngọ.
5. Hành Thổ: (Là ba con vượn) màu vàng ở giữa bốn hành ứng với trung ương, với ngũ vị là vị ngọt, với ngũ giới cấm là giới bất vọng ngữ, với ngũ Luân là Đức Tín, với ngũ tạng là Tỳ (lá lách, nơi chưa Ý, thông khiếu ra cơ thịt), với ngũ hành tinh là sao Thổ.
Ngũ hành là năm thế lực vận động tự nhiên trong Vũ-trụ, bán hữu bán vô và tương tác lẫn nhau theo quy luật sanh, khắc, chế, hóa. Nó có tánh chất đối lập với nhau từng đôi một: Thủy thấm nhuần mà chảy xuống (Thủy nhuận hạ), Hỏa bốc cháy và bay lên (Hỏa viêm thượng). Mộc có thể cong hoặc ngay (Mộc khúc trực), Kim có thể tùy nghi biến dạng (Kim tòng cách). Kim, Mộc, Thủy, Hỏa phải do nơi đất mà thành. Bốn hành đều nói về tính mà hành Thổ nói về Đức, là sự chứa đựng, nuôi dưỡng muôn loài, ở trung ương mà làm nhiệm vụ hòa giải bốn phương. Là Đức Tín vững chắc, trồng dưa đặng dưa, trồng đậu đặng đậu, tơ tóc chẳng sai, gieo thứ gì mọc thứ nấy, thể hiện luật “Nhân-Quả” công bình (Thổ giá sắc).
Trong Bát Quái Hậu-Thiên, các số của ngũ hành đều bất bình đẳng: Thủy có 7 (Nhất-lục Thủy), Hỏa có 9 (Nhị-thất Hỏa), Mộc có 11 (Tam-bát Mộc), Kim có 13 (Tứ-cửu Kim), Thổ có 15 (Ngũ-thập Thổ).
Trong thân người, hai trục Tinh-ThầnHồn-Phách theo tự nhiên thì không bao giờ đồng nhất đặng. Tinh-Thần không bao giờ gặp nhau (quẻ Hỏa-Thủy vị-tế), bởi lẽ Tinh luôn chảy xuống mà tẩu lậu mất, Thần bị hao tán vì mắt cứ ngó ra ngoài, còn Hồn Phách lại bị xiêu lạc, dật dờ. Vậy nên, người tu hành phải quay về thân tâm mình (là một tiểu Thiên-Địa) mà vận dụng lấy Lạc-Thơ (chữ Vạn nghịch) hay ma phương sao Thổ, theo Pháp Quy Tức CôngĐạo-Sư MINH-NHÂN đã truyền dạy, luyện cho âm dương hòa, ngũ hành bình. Nghĩa là làm cho mạch nhâm, mạch đốc thông hội, liền lạc, giáp mối thành vòng tròn vô cực (vòng tiểu châu thiên), ngũ hành hóa khí mà hiệp nhất về Trung ương Hoàng cực. Hiệp nhất đặng là bởi lẽ mười phương đã được bình đẳng, tám hướng bốn hành đều được số 15, là số sanh thành của Thổ. Hơn nữa, bốn hành gốc từ Thổ mà sanh thành, tỉ như 1 là số sanh của Thủy (Thiên nhất sanh Thủy), muốn thành Thủy là số 6 (Địa lục thành chi) thì phải qua trung gian số 5 là ngôi Hoàng Cực, và ba hành còn lại cũng theo quy luật như vậy, nên bây giờ trở về với nguồn cội là điều dĩ nhiên! Làm được như vậy là chúng ta đã thực hành đúng theo Tôn-chỉ của Đạo Cao-Đài là “Tam giáo quy nguyên, ngũ chi hiệp nhất”, khi đó mới có khả năng thực hiện nổi sứ mạng hòa bình thế giới, mới đủ tư cách tham gia vào công việc tạo lập bầu Trời-Đất mới.
Bốn con ngựa: Đen ở phương Bắc, đỏ ở phương Nam, xanh ở phương Đông, trắng ở phương Tây, không quay đầu ra mà lại quay đầu vô, quy hướng về Trung ương Hoàng cực là hình ảnh của ngũ hành hiệp nhất, Tứ Tổ quy gia hay ngũ Khí triều ngươn, Ngũ Long bổng Thánh. Muốn được như vậy, thì người tu luyện phải dụng công phu định cái tâm, gìn cái ý mà bế ngũ quan. Ngũ quan là: Nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân. Ngũ quan lại thuộc về ngũ tạng, ăn với ngũ hành.
Bế thiệt quan thì Can Mộc chẳng đảo xiêu. Người tu không nóng nảy, hờn giận ắt Hồn định, Khí ở gan trong sạch tốt đẹp, là Thanh-Đế ở phương Đông vị Mộc Khí triều ngươn, ngựa xanh quy về Trung ương Hoàng cực.
Bế tỉ quan thì Phế Kim phân chì sắt. Không buồn rầu ắt Phách định, là Bạch-Đế ở phương Tây vị Kim Khí triều ngươn, ngựa trắng quy về Trung ương Hoàng cực.
Bế nhĩ quan thì Thận Thủy mới lưu hành. Không kinh khủng sợ sệt quá ắt Tinh không động, là Hắc-Đế ở phương Bắc vị Thủy Khí triều ngươn, ngựa đen quy về Trung ương Hoàng cực.
Bế nhãn quan thì Tâm Hỏa không bừng cháy. Không mừng vui, xúc động thái quá ắt Thần an định, là Xích-Đế ở phương Nam vị Hỏa Khí triều ngươn, ngựa đỏ quy về Trung ương Hoàng cực.
Bế thân quan thì Tỳ Thổ đặng sanh khí. Không vọng tưởng mơ ước, không tính toán mưu cầu theo tham dục ắt Ý định, là Trung ương Hoàng-Đế vị Thổ Khí triều ngươn.
Bế ngũ quan nghĩa là gìn giữ không để cho tâm ý buông lung phóng túng, chạy bậy ra ngoài theo ngũ giác quan, mà phải quay về nội giới lắng nghe, quan sát, luyện Thần-Khí vận chuyển trong châu thân theo bài “Kiểm tu các môn sanh” của Đạo-Sư Minh-Nhân như sau:
Đại Đạo trong ta chẳng kiếm ngoài,
  Một Thần, một Khí cộng là hai,
  Âm-dương thăng giáng nơi con mắt,
  Thần-khí vận hành nội lỗ tai,
  Mũi thở theo đường Qui-Tức Pháp,
  Miệng hằng tâm niệm Chú Cao-Đài,
  Kim-quang tốc hiện toàn thân sáng,
  Trí-tuệ tăng huy đủ đức tài.”
Khi đã bế ngũ quan lại phải giữ gìn lấy tam bửu mà luyện chơn chưởng thành đồ cho Tinh hóa Khí, Khí hóa Thần, Thần hoàn hư. Ba báu quy về kim đảnh, “Tam hoa tụ đảnh” là thành Đạo.
 Bịt tai là bảo Tinh. Lỗ tai thuộc Thận, nếu nghe âm thanh bên ngoài, đàn ca hát xướng, lời nói êm ái dịu ngọt kích động lòng ham muốn mà hao Tinh. Nên phải nghe vô trong chẳng nghe ra ngoài. Nếu có nghe thì chỉ nghe những điều lễ nghĩa, đạo đức thiện từ. Nho-giáo có câu “Phi lễ vật thính” nghĩa là chẳng phải lễ chẳng nghe, Đạo-giáo có câu “Thính chi bất văn”, nghĩa là nghe đó mà dường như chẳng nghe, ấy là phép trừ âm thanh bên ngoài. Bịt tai là tịnh thân nghiệp đặng kiến Quan Âm mà lắng nghe lại lòng mình, dụng Pháp Quy Tức Công luyện Tinh hóa Khí (Quay vào Hoàng-Đế nam mô), lìa xa được “Hạ-tiêu”, tức là đường dẫn khí nằm ở phía trên bàng quang, chủ về phân biệt thanh trược (chỉ ra mà không vô). Có diệt được sự dâm dục, có đoạn được dâm căn thì “Tinh” mới đầy mà “Hoa chì” (Nhân hoa) mới nở.
Ngươn Tinh là vật báu vô giá, được xem là đơn dược trường sanh bất tử, là chất liệu để tạo thành “Nhị Xác Thân”. Nó là nguồn năng lượng giúp cho Thần-trí quang minh sáng suốt, đưa Linh-hồn phi thăng siêu thoát. Nhưng phải biết cách tu luyện thì nó còn, không biết cách thì nó tẩu lậu ra ngoài mà mất đi. Vấn đề này làm đệ tử nhớ lại lời dạy của Đạo-Sư về việc trị thủy của hai cha-con ông Cổn và Hạ-Vũ. Nước Trung-Quốc, vào thời xa xưa, hằng năm, nước dâng lên ngập lụt khiến cho nhơn dân nguy khốn, lầm than, làm hại chết rất nhiều sanh linh. Sau đó, Vua mới sai ông Cổn đi trị thủy mà trừ tai họa, giải ách nạn cho muôn dân bá tánh. Ông Cổn không thông luật âm-dương biến hóa, ngũ hành sanh khắc, nên hậu quả đã không trị thủy được mà còn làm cho ngập úng thêm, khiến vô số sanh chúng phải thiệt mạng. Sau đó, ông Hạ-Vũ là con nối nghiệp cha, là người tinh thông lý số Lạc-Thơ, kinh nghiệm sự thất bại trước và biết được tính chất của Thủy, nên đã khai thông các kênh mạch đưa nước trở về nguồn cội là biển cả, mà trừ đặng tai ách cho nhân dân, cứu vớt được vô số sanh linh. Người tu luyện biết cách khai kinh mở lạc, dẫn nước về nguồn cội là bộ đầu, là huyệt Bách-hội, nơi chư dương sở tụ (Thiên nhất sanh Thủy), thì cứu vớt được vô số chúng sanh. Ấy là Tinh ba trong thân người đã được hóa Khí, là cơ “Tận-Độ” trong bản thể. Đây cũng chính là chơn ý nghĩa của ngày “Hạ ngươn Thủy-Quan giải ách”.
Bịt miệng là để tích Khí. Người xưa có câu “Khẩu khai Thần-Khí tán, thiệt động thị phi sanh”. Ít nói cho khí tụ thì hơi không lậu ra, bớt lời bớt việc là dưỡng đặng chỗ khí. Nếu có nói thì chỉ nói những lời lẽ khiêm cung thiện từ, Đạo-đức, như lời Đức Khổng Phu Tử đã dạy: “Gặp người đáng nói mà không nói thì mất người, gặp người không đáng nói mà nói thì mất lời”, hay Nho-giáo có câu “Không Lễ chớ nói”. Bịt miệng là tịnh khẩu nghiệp đặng nuôi dưỡng lấy Ngươn Khí, là Khí Thái-Bạch Kim-Tinh, là cái Khí Hạo Nhiên châu lưu vận hành bao quát trong thân người. Tâm hồn thanh tịnh, không không, ắt là Khí hòa hoãn bình yên, Đạo thông suốt. Người tu luyện Khí hóa Thần, lìa bỏ “Trung-tiêu”, tức là mạch dẫn khí nằm ở lằng trong bao tử. Bụng của cơ thể người được ví như nghĩa địa chất chứa thịt cá thối tha. Tỳ-vị thuộc Thổ, bỏ thịt cá ăn ngũ cốc để giữ vệ sinh cho bụng được sạch sẽ thanh tịnh, ba tấc trược khí dứt, thanh khí trở về lúc ban đầu. Và đây chính là chơn ý nghĩa của ngày “Trung-ngươn Địa-Quan xá tội”. Trung Khí đầy đủ thì ít nghĩ đến ăn, “Hoa bạc” (Địa hoa) mới nở.
Bịt mắt là tồn Thần. Con mắt là tổ khiếu của Thần, hễ nhìn ngó sắc lâu thì Thần theo sắc mà tán. Nho-giáo có câu “Phi lễ vật thị”, nghĩa là chẳng phải Lễ chẳng ngó, Đạo-giáo có câu “Thị chi bất kiến”, nghĩa là xem đó mà dường như chẳng thấy. Đó là phép “Hồi quan phản chiếu”, tịnh tâm nghiệp đặng kiến Quan-Thánh Đế-Quân. Người tu luyện Thần hoàn hư, lìa bỏ “Thượng-tiêu”, tức là mạch dẫn khí nằm ở trên bao tử mới không chấp trước, Thần đầy ít ngủ. Khử trừ ý niệm tham dục, dẹp bỏ tư tưởng tà dâm, ắt Thần-trí sáng ngời, hồn trong lặng tỉnh táo thoát xác trở về hư vô vào cảnh giới hư không mầu nhiệm, “Hoa vàng” (Thiên hoa) bừng nở. Và đây chính là chơn ý nghĩa của ngày “Thượng-ngươn Thiên-Quan tứ phước”.
Để tóm lược lại các điều vừa trình bày ở trên, đệ tử xin chép lại lời THẦY dạy như sau:
“Ngươn Thần, ngươn Khí với ngươn Tinh,
  Ráp lại lâu lâu nó tượng hình,
  Phá cửa Linh-Đài vào bái Phật,
  Ngũ hành hiệp nhất mới mầu linh.”
Đó chính là cơ “Di-Lặc” mà Đạo-Sư Minh-Nhân đã giảng dạy: Là một cuộc cách mạng thân tâm vô cùng vĩ đại, hay là công phu tạo bầu Trời-Đất mới trong bản thể, là phép “chiết Khảm điền Ly”, đem Ly Khảm phục vị về Càn-Khôn, Hậu-Thiên trở về Tiên-Thiên, Lạc-Thơ trở lại Hà-Đồ:
Long-Hoa Di-Lặc dụng “Thần”,
Hiểu thông pháp-lý mới gần Phật-Tiên.
          Tam-Hoa hóa Thần quy Thiên,
Ngũ-hành hóa khí, triều nguyên nuôi Thần.
          Mắt Thần thường quán chiếu thân,
Giữ gìn Tam-bửu mười phân đủ đầy.
          Lặc” gồm hai chữ sau đây:
Chữ “Cách”, chữ “Lực” nhờ Thầy giải phân.
          Cách là cách mạng tinh thần,
Ngày ngày đổi mới để gần Phật Tiên.
          Lực bền dụng khí Tiên Thiên,
Thần giao Khí cảm ngồi yên gom về.
          Hạ-điền Long hiện say mê,
Tinh thần khoái cảm đề-huề dưới trên.
          Pháp tu đắp móng xây nền,
Ấy cơ Di-Lặc làm nên Đạo-Vàng.
Và đây cũng chính là cơ “Đạo lập đời” mà Đức Ngô Đại Tiên đã dạy khi Ngài còn sanh tiền:
                              Lập đời Ngũ-Đế Tam-Hoàng,
                      Muôn nhà trăm họ vững vàng thảnh thơi,
                               Không ai thấu đáo cơ Trời,
                      Rồi ra kích bác, lắm lời dị đoan.”
Nhược bằng người chẳng biết đạo đức tu hành, nghe theo sự sai khiến của thức thần, thất tình lục dục dấy động khiến cho tam bửu tiêu mòn, ngũ tạng suy vi thì thành ma, làm quỷ.
Lục dục là do lục căn tiếp xúc với lục trần mà sanh ra sáu điều ham muốn, mới có lục tặc. Có lục tặc thì hại lục căn, lục thức, lục thần nên mới sa vào lục đạo luân hồi.
Nhãn là mắt, cơ quan thị giác. Mắt ngó thấy sự tốt đẹp màu sắc thì lòng dục dấy lên mà sanh tâm sở hữu, chiếm đoạt.
Nhĩ là tai, cơ quan thính giác. Tai thì thích nghe những giọng nói tao nhã, thanh bai nhẹ nhàng êm ái, đàn ca hát xướng, ngâm vịnh phú thi.
Tỉ là mũi, cơ quan khứu giác. Mũi thì ưa thích mùi thơm, hơi ngọt.
Thiệt là lưỡi, cơ quan vị giác.Miệng thì ham ăn món ngon vật lạ, đồ mỹ vị cao lương nên phạm tội sát sanh.
Thân là xác thịt, cơ quan xúc giác. Thân thì mến vợ đẹp con xinh, lầu cao cửa rộng, sự trơn tru êm ái khoái lạc, ham muốn sự dâm dục quá độ mới hao tán Ngươn Tinh, Ngươn Khí, Ngươn Thần.
Còn ý là ý nghĩ, là tư tưởng, là cơ quan thức giác. Ý thường hay suy nghĩ, tính toán đủ điều, tạo ra dục vọng, ham muốn.
Nếu người biết chuyển hóa, làm cuộc cách mạng thân tâm, thì lục căn thanh tịnh, lục dục hóa thành lục thông là đạt Đạo. Và đây chính là “Dụng Lục” về mặt Tâm họcĐạo-Sư đã giảng giải. Lục thông là: Thiên nhãn thông, Thiên-nhĩ thông, Thần-cảnh thông, Lậu-tận thông, Túc-mạng thông và Tha-tâm thông.
Còn thất tình là: hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, cụ, cũng tai hại chẳng kém. Chúng là một đám giặc liệt cường quấy rồi tâm hồn con người ngày đêm, nhưng nếu ta biết tu luyện chuyển hóa thì thất tình trở thành thất bảo.
Trong “Đại Thừa Chơn Giáo”, bài “Luyện kỷ tu thân”, có đoạn đệ tử rất lấy làm đắc ý, xin trích nguyên văn lời THẦY dạy về việc “Vì sao phải quy tam bửu hiệp ngũ hành?”:
“Như con người lo lắng vọng tưởng điều này, sự nọ thì hao THẦN (Linh-hồn), còn ham muốn mơ mộng phú quý vinh hoa thì tản KHÍ, bằng say đắm mê sa tình trường dục hải thì tổn TINH.
Hễ tam bửu hao mòn thì nào khác chi ngọn đèn tàn, dầu hao tim lụn, leo lét canh khuya, khi mờ khi tỏ, tất nhiên một hồi phải tắt ngay. Vả như tam bửu hư hoại thì tự nhiên ngũ hành, ngũ tạng cũng phải xiêu bè suy nhược theo nhau.
Nguyên con người trong buổi thiếu thời, còn giữ tánh thiên nhiên, thì đâu biết lo rầu buồn giận. Mãi đến lớn lên lần lần nhiễm lấy mùi trần, rồi ham giàu, ham sang mới rấp ranh trù nghĩ kế nọ mưu kia, phương này chước khác, báo hại phải hao cái Chơn-tâm (tâm ấy thuộc hỏa).
Đến khi mưu kế định rồi, lại còn phấn đấu tranh đua để đạt sao cho kỳ được mục đích mới nghe, thì báo hại tới phải hao can (can ấy thuộc mộc).
Bây giờ mục đích đạt xong, đã sang, đã giàu thì lại đâm ra muốn vui xác thịt, nên bể dục sóng tình tha hồ đắm đuối ngày đêm, báo hại thêm ra hao thận (thận ấy thuộc thủy).
Đã vui sắc dục thì phải khoái ngọt bùi, nên lại kiếm tầm hải vị sơn trân, sát mạng thượng cầm hạ thú, để làm khoái đã sự thèm ngon của miệng lưỡi, mà lắm khi chất độc món khác cũng chẳng hề từ, thành ra bệnh tùng khẩu nhập mà báo hại cho phải hao tỳ (tỳ ấy thuộc Thổ).
Lại khi ăn uống no say ngon khoái rồi, thì bị những vật thực bằng huyết nhục kia nó mới phát sanh ra tánh người táo bạo, hung hăng, ganh gỗ, độc ác và háo thắng tự phụ, máu nóng, tham sân mà báo hại hao thêm cho phế (phế ấy thuộc kim).
Đó là ngũ hành đã suy mà ngũ tạng đã nhược.
Vậy nên người tu phải không ham giàu, không ham sang, không ham ngon, không ham dục, không không, không hết ráo, thế mới thành công.”
                         “Không, không sắc, không màu, không tướng,
                          Không, không hình, không tượng, không nghe;
                               Không ham kết đảng lập phe,
                      Không ham sang trọng, không khoe khoan mình.
                          Không cầu lợi, cầu danh tham dục,
                          Không ham điều tà khúc hại đời;
                               Không làm khó nhọc cho người,
                      Không ham chuyện quấy để đời phiền phân.
                          Không lưu luyến hồng trần buộc trí,
                          Không bốn tường trực chỉ Đào Nguyên;
                               Không không mới thiệt diệu huyền,
                      Chữ không làm đặng thì Tiên trong đời!”
Hay là:
                                “Con ơi! Con để Tâm không,
                      Cho THẦY bố điễn thông công cùng THẦY.”
Kính thưa Đạo-Sư:
Từ thời xa xưa, Ông cha ta đã quan niệm về Vũ-trụ là “Trời tròn, Đất vuông” hay “Trời ba, Đất bốn”. Điều đó được thể hiện rõ nét qua sự tích bánh chưng, bánh dày. Hai loại bánh này được làm từ nguyên liệu rất đơn giản và gần gũi với đa số quần chúng nhân dân, đó là gạo và nếp. Bánh chưng vuông vức tượng cho Đất, bánh dày tròn trịa tượng cho Trời.
Được sự khải ngộ của Đạo-Sư, đệ tử được biết rằng qua đề tài “Tam Viên, Tứ Mã” còn hiển bày chơn lý về mặt số học:
Số 3 là số thể hiện nguyên lý hằng cửu của Vũ-trụ. Theo “Di-Lặc Chơn Kinh”, ở từng Trời Thượng-Thiên Hỗn-Ngươn, có ba vị Phật là Brahma Phật, Civa Phật, Christna Phật. Brahma Phật làm chủ cơ sanh hóa, Civa Phật chủ cơ hủy diệt, Christna Phật chủ cơ bảo tồn. Hay là ba hạt lưu tánh nguyên tử tồn tại trong tất cả các dạng vật chất là: âm điện tử (electron), dương điện tử (proton) và trung hòa tử (nơtron).
Đức Thượng-Đế giáng điễn lập Đạo Cao-Đài, Ngài dạy tạo quả Càn-Khôn để thờ Trời có bề kính là ba thước, ba tấc. Tòa Thánh, Hội Thánh là xác thân của THẦY gồm đủ Tinh-Khí-Thần là tam đài: Bát-Quái, Cửu-Trùng và Hiệp-Thiên, thực hiện ba cơ quan là: Lập Pháp, Hành Pháp và Bảo Pháp. Bát-Quái đài tượng cho Thần, Cửu-Trùng đài tượng cho Tinh, Hiệp-Thiên đài tượng cho Khí. Trong Bát-Quái đài, THẦY dạy thờ Tam GiáoNho-Thích-LãoTam Trấn oai nghiêm.
Số 3 là số của Tam Thanh: Thái Thanh, Thượng Thanh và Ngọc Thanh; là số của Tam Tài: Thiên-Địa-Nhơn; là số của Tam Bửu: Trời có ba báu là Nhật-Nguyệt-Tinh, Đất có ba báu là Thủy-Hỏa-Phong, Người có ba báu là Tinh-Khí-Thần.
Kinh dịch có ba nguyên lý là biến dịch, giao dịch và bất dịch v.v…
Số 4 là tứ tượng, là lý số của Đất. Vì Đất bằng phẳng vuông vứt thuộc về Hậu-Thiên nên cổ nhân đã chia ra bốn phương để định vị: Đông-Tây, Nam-Bắc. Trên bầu Trời là bốn chòm sao: Thanh-Long, Bạch-Hổ, Châu-Tước và Huyền-Vũ. Ở dưới Đất là Tứ Linh: Long, Lân, Qui, Phụng. Trong thân người là trục Tinh-Thần và Hồn-Phách. Ở thời gian là trục Tý-Ngọ và Mẹo-Dậu, là tứ thời công phu của người tu luyện …
Tổng của 3 và 4 là số 7, là số thể hiện cơ tiến hóa của vạn loài sanh linh, đó là luật Trời “Thiên tắc” nên ta thấy Đạo Chúa có 7 ngày khai sáng tạo lập Vũ-trụ, Đạo Phật có 7 bước hay bảy báu, Đạo Dịch có 7 cấp, Đạo Cao-Đài có 7 ước niên, Mặt Trời có 7 màu, nhạc lý có 7 âm thanh, trong thân người có 7 thể hay là 7 ngày thì Tinh đầy. Trong nhị thập bát tú, gồm ở bốn chòm sao, mỗi chòm sao gồm có 7 tinh tú mang 7 thể là: Nhựt-Nguyệt và Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Số 7 là số của âm-dương và ngũ hành bao quát cả Càn-Khôn Vũ-Trụ, là quy luật thường hằng, là Thiên-lý mà vạn loài phải tùng theo: “Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong”.
Sau đây, đệ tử xin tiếp tục luận giải ý nghĩa của hình ảnh Tam giác thập ngũ Linh Đăng:
Thập ngũ linh đăng là 15 ngọn đèn linh thiêng, tượng cho Thần-trí viên thông. 15 là số huyền diệu, bởi lẽ nó là số của Trời-Đất-Người hiệp nhất (Trời có ngũ khí, Đất có ngũ hành, Người có ngũ tạng), là số của cửu dương lục âm. Tam giác thập ngũ linh đăng là ma phương sao Hỏa gồm có 15 số từ 1 đến 15 được sắp xếp một cách đặc biệt tạo thành ba hình tam giác đều bao bọc lẫn nhau, ẩn tàng bí pháp siêu diệu.
Tam giác đỏ ở ngoài cùng tượng trưng cho Thánh Đạo, trừ ba số của tam giác vàng, ba cạnh của tam giác đỏ gồm có 12 số, tổng số mỗi cạnh là 49 (7x7), là số của thất Phách đã được cân phân quân bình, 49 + 1 = 50 (1 là Thái-Cực), là số đại diễn của Dịch. Tổng ba cạnh ngoài cùng của tam giác đỏ là 147, cộng lại (1+4+7) là 12, là số của thập nhị thời thần, thập nhị thời quân, thập nhị địa chi hay thập nhị nhân duyên.
Tam giác xanh ở trong tượng cho Tiên-Đạo, mỗi cạnh là 30 biểu thị ý pháp tam hồn đã được cân phân quân bình, Tam hoa tụ đảnh, là bước luyện “Thần hoàn hư”. Tổng ba cạnh của tam giác xanh là 90, số 9 là số “Cửu Thiên khai hóa”.
Tam giác vàng ở trong cùng tượng cho Phật-Đạo, gồm có ba số là 1, 2 và 3. 1 là Thái-Cực, là ngôi của THẦY, 2 và 3 là lưỡng nghi: 2 là âm nghi và 3 là dương nghi. Ba số của tam giác vàng cũng có thể hiểu là tam Đức Bi-Trí-Dũng của Thượng-Đế, hay là ba hạt lưu tánh nguyên tử, hay là ba vị Phật Brahma, CivaChristna xoay chuyển cơ tiến hóa của Vũ-trụ: Sanh hóa, hủy diệt và bảo tồn. Đây là bước luyện “Hư hoàn vô” cho Huyền Quan Nhứt Khiếu hay Thiên-Nhãn mở hoát ra, trí huệ phát sanh. Đó cũng chính là mục đích tối hậu, rốt ráo của mỗi một môn đồ tu theo Đạo Cao-Đài, như lời mà Đức Hộ-Pháp đã dạy: “Tương lai thay đổi, phải mở con mắt thiêng liêng, lấy tinh thần toàn thể, dầu chức sắc Thiên phong hay tín đồ cũng vậy. Con mắt phải mở, “Con Mắt ấy là Huệ-Nhãn”, phải mở cho rõ ràng minh mẫn đặng coi chừng thay đổi nền chánh giáo của Đức Chí-Tôn vĩnh cửu trường tồn, đừng để ngày sau sụp đổ mà ân hận”.
Con Mắt” ấy chính là ngôi Thái-Cực, là Chơn-Thần Thượng-Đế, là biểu tượng Thiên-Nhãn, mà “nguồn cội Tiên-Phật yếu nhiệm là tại đó”.
Kính thưa Đạo-Sư:
Phần trình giải trên đây của đệ tử chỉ là sự tổng hợp, đúc kết các hiểu biết qua việc tham khảo kinh sách và tài liệu Đạo-Sư đã ban phát, mà đệ tử chỉ có thể dùng lý trí để cảm nhận lý Pháp, chứ không phải là sự thể nghiệm, ấn chứng của bản thân. Nên chắc chắn không tránh khỏi sự thiếu sót, sai lầm, kính mong Đạo-Sư hoan hỉ bổ khuyết, sửa sai và giảng giải thêm cho đệ tử được khai tâm, mở trí hầu học hỏi, tấn hóa trên đường tu học.

Đệ tử Tiểu-Dương kính trình luận văn.
Viết xong ngày 21 tháng 2 năm Kỷ-Sửu





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét